Quản Lý Tiểu Đường: Lối Sống và Thói Quen Sinh Hoạt (tiếp theo)
Trong quản lý bệnh tiểu đường, việc giữ chỉ số đường huyết ở mức quy định là một thử thách vì có rất nhiều yếu tố trong cuộc sống hàng ngày có thể làm tăng hoặc giảm lượng đường trong máu một cách đột ngột. Vậy hãy cùng Merinco tiếp tục tìm hiểu những yếu tố sau.
Cảm/Ốm
Khi ốm, cơ thể tạo ra nhiều hoóc-môn stress để giúp chống lại bệnh, nhưng phản ứng này có thể làm tăng lượng đường glucose trong máu. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong khẩu vị và sinh hoạt hàng ngày khi ốm cũng nảy sinh những sự phức tạp trong quá trình quản lý tiểu đường.
Điều cần biết:
Luôn chuẩn bị sẵn sàng. Lập sẵn kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường đề phòng cho những ngày bị cảm/ốm, từ việc sử dụng loại thuốc nào, đo đường huyết và nồng độ ketone (KET) trong nước tiểu ra sao cho đến lúc nào cần gọi bác sĩ.
Duy trì việc uống thuốc điều trị tiểu đường kể cả khi ốm. Nhưng nếu không thể uống thuốc do chóng mặt buồn nôn hoặc nôn mửa, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức. Trong trường hợp này, bạn cần phải thay đổi lượng insulin nạp vào, tạm thời giảm hoặc ngừng sử dụng các liều insulin hoặc thuốc điều trị tác dụng nhanh nhằm đề phòng hạ đường huyết. Tuy nhiên, đừng ngưng sử dụng các mũi insulin nền. Trong lúc ốm, việc theo dõi đường huyết thường xuyên là rất quan trọng. Bác sĩ cũng có thể sẽ đo nồng độ ketone (KET) của bạn nếu cần thiết.
Duy trì ăn khẩu phần ăn dành cho người tiểu đường. Ăn uống như bình thường nếu có thể để kiểm soát lượng đường trong máu. Khi bệnh, nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như thạch, bánh quy, súp, hoặc hoa quả mềm, và uống thật nhiều nước và đồ uống ít calo như trà để tránh mất nước. Nếu sử dụng insulin, bạn có thể cần uống một chút đồ uống có đường như nước hoa quả để tránh lượng đường trong máu hạ thấp.
Đồ uống có cồn
Gan sẽ tiết ra đường khi đường huyết hạ thấp. Thế nhưng trong trường hợp gan phải bận rộn tiêu hóa cồn, lượng đường trong máu sẽ bị ảnh hưởng. Đồ uống có cồn sẽ làm giảm lượng đường máu ngay sau khi uống cũng như khoảng 24 giờ sau đó.
Điều cần biết:
Tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng uống đồ uống có cồn. Cồn có thể khiến bệnh tiểu đường thêm phức tạp, gây hại cho thần kinh và võng mạc. Tuy nhiên, nếu bệnh tiểu đường của bạn đang được kiếm soát tốt và được sự đồng ý của bác sĩ, bạn có thể uống đồ uống có cồn trong một vài trường hợp không thường xuyên. Lượng tiêu thụ đồ uống có cồn theo quy định là 1 ly cho phụ nữ ở mọi độ tuổi và đàn ông trên 65 tuối; và 2 ly cho nam giới dưới 65 tuổi. Một ly bằng 1 cốc bia 350mL, 1 cốc rượu 150mL hoặc 44mL rượu mạnh.
Không dùng đồ uống có cồn khi bụng đói. Nếu bạn đang tiêm insulin hoặc sử dụng các loại thuốc điều trị tiểu đường khác, hãy ăn trước khi uống đồ có cồn hoặc uống trong khi ăn để đề phòng lượng đường trong máu giảm.
Chọn loại đồ uống phù hợp. Bia và rượu vang có lượng calo và carbohydrates thấp hơn các loại đồ uống có cồn khác. Nếu thích các thức uống pha trộn, hãy dùng kết hợp với các loại đồ uống có ga không đường - chúng sẽ không làm tăng lượng đường trong máu.
Luôn tính lượng calo bạn nạp vào. Hãy luôn ghi nhớ đếm lượng calo nạp vào từ các thức uống có cồn để có một chế độ ăn kiêng thích hợp.
Kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ. Cồn có thể làm giảm lượng đường trong máu kể cả nhiều tiếng sau khi uống, vì vậy phải kiểm tra đường huyết trước khi đi ngủ. Nếu lượng đường huyết không nằm trong khoảng từ 100 - 140 mg/dL thì hãy ăn nhẹ trước khi ngủ.
Kì kinh nguyệt và Thời kỳ mãn kinh
Thay đổi hoóc-môn trước và trong kì kinh nguyệt gây ảnh hưởng không nhỏ tới lượng đường trong máu.
Điều cần biết:
Nhận biết các dấu hiệu thường gặp. Kiểm tra và đối chiếu lượng đường trong máu trước và trong mỗi kì kinh nguyệt qua nhiều tháng có thể giúp bạn đoán trước được kì kinh nguyệt có ảnh hưởng như nào tới sự lên xuống của đường huyết.
Thay đổi kế hoạch điều trị cho phù hợp. Các bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn thay đổi một chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và thuốc điều trị tiểu đường phù hợp trong những ngày này.
Kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn. Nếu bạn đang trong giai đoạn mãn kinh hoặc tiền mãn kính, hãy hỏi bác sĩ xem bạn có cần phải kiểm tra lượng đường máu thường xuyên hơn bình thường không. Các triệu chứng mãn kinh thường dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng hạ đường huyết, vì vậy hãy test thử đường huyết bất cứ khi nào có thể để tránh nhầm lẫn.
Lưu ý rằng, người bệnh tiểu đường vẫn có thể áp dụng các phương pháp tránh thai mà không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, thuốc tránh thai có thể là nguyên nhân gây tăng đường huyết đối với một vài người.
Căng thẳng, mệt mỏi
Khi căng thẳng hay mệt mỏi, hoóc-môn trong cơ thể sẽ được sản sinh ra để chống lại những cảm xúc tiêu cực và có thể tăng lượng đường trong máu của bạn một cách đáng kể. Hơn nữa, khi bạn gặp nhiều áp lực hay căng thẳng trong cuộc sống, bạn có thể sẽ cảm thấy khó khăn hơn trong việc theo dõi và điều trị tiểu đường.
Điều cần biết:
Nhận biết các dấu hiệu thường gặp. Mỗi khi đo đường huyết, hãy tự hỏi bản thân xem mức độ stress tiêu cực của bạn đang là bao nhiêu trên thang từ 0-10 và ghi lại chúng bên cạnh lượng đường huyết. Đối chiếu chúng qua một thời gian dài có thể giúp bạn nhận biết sự ảnh hưởng của việc căng thẳng và mệt mỏi tới lượng đường trong máu.
Hãy chủ động. Khi bạn biết sự ảnh hưởng của stress lên lượng đường máu, hãy học cách thư giãn, giảm bớt công việc, và cho bản thân khoảng nghỉ. Hoạt động thể chất cũng có tác dụng rất lớn lên việc giảm căng thẳng, mệt mỏi cũng như giảm lượng đường trong máu.
Tìm kiếm sự trợ giúp khi cần. Khi bạn cảm thấy khó khăn trong việc giảm căng thẳng trong cuộc sống, hãy tìm đến sự tư vấn của chuyên gia. Các bác sĩ tâm lý có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân, giải pháp, và các cách để giải tỏa căng thẳng.
Bạn càng hiểu biết về các yếu tố ảnh hưởng tới lượng đường huyết, bạn càng có sự chuẩn bị kĩ càng hơn trước những dấu hiệu lên xuống của đường huyết. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu ở mức cho phép, hãy đến bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.