Giỏ hàng

Cách nhận biết và điều trị vết thương bị nhiễm trùng

Nếu vi khuẩn hay mầm bệnh xâm nhập vào vết thương, việc vết thương bị nhiễm trùng hoàn toàn có thể xảy ra. Các triệu chứng hoặc dấu hiệu nhiễm trùng vết thương bao gồm đau, sưng và đỏ ngày càng tăng. Nếu bị nhiễm trùng nghiêm trọng hơn còn có thể gây ra buồn nôn, ớn lạnh và sốt.

 

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại vết thương và mức độ nhiễm trùng.

Một người có thể điều trị nhiễm trùng vết thương nhẹ ở nhà. Tuy nhiên, những người bị nhiễm trùng vết thương nặng hơn hoặc dai dẳng hơn nên đi khám.

Bài viết này mô tả dấu hiệu vết thương nhiễm trùng, triệu chứng nhiễm trùng vết thương, phòng ngừa vết thương nhiễm trùng, và điều trị vết thương bị nhiễm trùng. Bài báo cũng sẽ đề cập tới các nguy cơ, biến chứng,  và thời điểm nên đi khám bác sĩ và điều trị y tế.

 

Làm thế nào để nhận biết vết thương bị nhiễm trùng?

Vết thương bị nhiễm trùng thường trở nên tồi tệ hơn thay vì thuyên giảm. Vết thương bị đau, đỏ và sưng trở nặng hơn là dấu hiệu nhiễm trùng vết thương hở.

Nếu vùng màu đỏ xung quanh vết thương rộng hơn ngón tay cái của một người, điều này cũng có thể là dấu hiệu của vết thương bị nhiễm trùng.

Nhiễm trùng cũng có thể dẫn đến các biểu hiện của vết thương bị nhiễm trùng khác, chẳng hạn như:

  • Vùng da quanh vết thương nóng ấm (vết thương bị viêm)

  • Vết thương bị nhiễm trùng có mủ, dịch màu vàng hoặc xanh chảy ra từ vết thương

  • Vết thương có mùi khó chịu

  • Vệt đỏ trên vùng da xung quanh vết thương

  • Sốt và ớn lạnh

  • Nhức mỏi và đau nhức

  • Buồn nôn và ói mửa

 

Nguyên nhân gây ra vết thương bị nhiễm trùng?

Vết thương bị nhiễm trùng khi vi khuẩn xâm nhập và xâm chiếm vết cắt hoặc vết thương. Việc nhiễm trùng vết thương đang lành hoàn toàn có thể xảy ra. Các vi khuẩn phổ biến có thể gây nhiễm trùng vết thương bao gồm:

  • Tụ cầu vàng

  • Pseudomonas aeruginosa

  • Escherichia coli (E. Coli).

  • Proteus mirabilis

  • Acinetobacter baumannii/haemolyticus

  • Liên cầu khuẩn

 

Cách phòng tránh vết thương bị nhiễm trùng

Những người có vết thương bị nhiễm trùng nhẹ có thể điều trị vết thương tại nhà.

Dù vết thương bị nhiễm trùng hay chưa, hãy thực hiện các bước sau để chăm sóc vết thương đúng cách:

  1. Đảm bảo rằng tất cả các thiết bị sử dụng cho vết thương đều sạch sẽ. Ví dụ, nếu sử dụng nhíp, trước tiên hãy làm sạch chúng bằng cồn.

  2. Rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước ấm, sau đó xả sạch và lau khô.

  3. Nếu vết thương đang chảy máu, hãy đặt một miếng băng hoặc gạc sạch và ấn chặt lên vết thương và giữ cho đến khi máu ngừng chảy.

  4. Làm sạch vết cắt hoặc vết xước bằng cách cho nước ấm chảy qua trong vài phút. Dùng nước ấm và xà phòng để làm sạch vùng da xung quanh nhưng tránh để xà phòng dính vào vết thương.

  5. Đảm bảo rằng không có bụi bẩn hoặc mảnh vụn nào, chẳng hạn như cỏ hoặc sỏi, trong vết thương. Để loại bỏ các mảnh vụn, hãy sử dụng nhíp hoặc nhẹ nhàng chà vết thương bằng vải mềm, ẩm.

  6. Nếu muốn, hãy bôi một lớp mỏng thuốc mỡ sát trùng hoặc dầu vaseline lên vết cắt hoặc vết xước.

  7. Để da khô tự nhiên trước khi dùng gạc hoặc băng xốp dán lên vết thương. Thông thường không cần thiết phải dùng băng hay gạc những vết cắt và vết xước nhỏ.

 

Những bước tiếp theo sẽ giúp bảo vệ vết cắt hoặc vết thương khỏi bị nhiễm trùng.

  1. Rửa vết thương ngay lập tức bằng cách cho nước sạch chảy lên vết thương trong vài phút. Sau đó, làm sạch vùng da xung quanh vết thương bằng nước ấm và xà phòng. Nếu không thể sử dụng nước sạch, hãy xử lý vết thương bằng khăn tẩm cồn.

  2. Để da khô tự nhiên.

  3. Bôi thuốc mỡ sát trùng lên vết thương.

  4. Bảo vệ vết thương bằng gạc hoặc băng xốp phù hợp khác. Tìm hiểu các loại băng vết thương và chọn loại băng phù hợp với bạn.

Băng gạc xốp Therasorb chuyên dùng cho các vết thương, vết loét tiết dịch từ trung bình đến nhiều

 

Các mẹo khác để xử lý vết thương bị nhiễm trùng

  • Thay băng vết thương ít nhất một lần một ngày. Thay ngay lập tức nếu băng bị ẩm hoặc nhiễm bẩn.

  • Rửa vết thương nhẹ nhàng mỗi ngày

  • Tránh bôi hydro peroxide hoặc cồn iốt lên vết thương vì những chất này có thể gây kích ứng da ở một số người. Ngừng sử dụng các loại thuốc mỡ sát trùng khác nếu chúng gây kích ứng da.

  • Không dùng tay chạm vào da hoặc vảy vì điều này có thể dẫn đến sẹo, chậm lành và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

  • Hãy đến gặp bác sĩ nếu vết thương không cải thiện trong vòng 1–2 ngày.

 

Điều trị vết thương nhiễm trùng

Nhiễm trùng vết thương nghiêm trọng hơn cần được chăm sóc y tế kịp thời, đặc biệt là những vết thương có các triệu chứng khác như sốt, cảm thấy không khỏe hoặc chảy dịch và có vệt đỏ từ vết thương.

Các bác sĩ có thể điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn bằng cách kê kháng sinh. Bệnh nhân cần phải hoàn thành đợt điều trị bằng kháng sinh để trị dứt điểm nhiễm trùng và ngăn ngừa vi khuẩn kháng thuốc.

Ngoài việc làm sạch, còn có mọt số cách chữa vết thương bị nhiễm trùng khác. Nếu vết cắt lớn hoặc sâu, bác sĩ hoặc y tá có thể phải khâu vết cắt lại. Đối với các vết cắt nhỏ hơn, có thể dùng bằng keo y tế hoặc băng dính y tế.

Nếu vết thương chứa mô chết hoặc bị bẩn, bác sĩ có thể loại bỏ mô này bằng một thủ thuật gọi là cắt bỏ mô. Việc cắt bỏ sẽ thúc đẩy quá trình chữa lành và ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan.

Những người bị động vật cắn hoặc bị thương do vật bẩn hoặc rỉ sét có thể có nguy cơ bị uốn ván và cần phải tiêm phòng uốn ván.

Uốn ván là một tình trạng nguy hiểm có thể gây tử vong, xảy ra khi một số vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể và giải phóng độc tố ảnh hưởng đến thần kinh. Các triệu chứng của bệnh uốn ván có thể bao gồm co giật cơ gây đau, cứng hàm và sốt.

 

Các yếu tố rủi ro dẫn đến nhiễm trùng vết thương

Các vết cắt, vết xước hay các vết rách khác trên da có thể bị nhiễm trùng khi vi khuẩn xâm nhập vào vết thương và bắt đầu sinh sôi. Vi khuẩn có thể đến từ vùng da xung quanh, môi trường bên ngoài hoặc từ vật gây ra vết thương.

Điều quan trọng là phải làm sạch và bảo vệ vết thương đúng cách để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Nguy cơ nhiễm trùng vết thương cao hơn nếu:

  • Vết thương lớn, sâu hoặc có cạnh lởm chởm

  • Bụi bẩn hoặc vật lạ xâm nhập vào vết thương

  • vết thương do vết cắn của động vật hoặc người khác gây nên

  • Vết thương do vật bẩn, rỉ sét hoặc chứa vi trùng gây nên

Một số loại bệnh lý và các yếu tố môi trường cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường

  • Hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như ở những người nhiễm HIV hoặc những người dùng thuốc ức chế miễn dịch

  • Thiếu vận động, ví dụ như ở những người dành phần lớn thời gian trên giường

  • Tuổi cao - người lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng vết thương hơn

  • Thiếu hụt chất dinh dưỡng và vitamin

Trong một số trường hợp hiếm gặp, vết thương do phẫu thuật cũng có thể bị nhiễm trùng. Khoảng 2-4% số người trải qua phẫu thuật gặp vấn đề vết thương khâu bị nhiễm trùng.

 

Biến chứng do vết thương bị nhiễm trùng

Nếu vết thương bị nhiễm trùng không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan sang các bộ phận khác của cơ thể, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm trùng ở các lớp và mô sâu hơn của da và có thể gây sưng, tấy đỏ và đau ở vùng bị ảnh hưởng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm sốt, chóng mặt, buồn nôn và ói mửa.

  • Viêm tủy xương là một bệnh nhiễm trùng xương do vi khuẩn và các triệu chứng bao gồm đau, tấy đỏ và sưng tấy xung quanh vùng bị nhiễm trùng. Mệt mỏi và sốt cũng là các triệu chứng khác của viêm tủy xương.

  • Nhiễm trùng máu là một phản ứng miễn dịch cực đoan đôi khi có thể xảy ra khi có nhiễm trùng xâm nhập vào máu. Nhiễm trùng máu có thể dẫn tới suy đa tạng và đe dọa tính mạng. Theo CDC, gần 270.000 người ở Mỹ tử vong mỗi năm do nhiễm trùng huyết.

  • Viêm cân hoại tử, một bệnh hiếm gặp xảy ra khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn lây lan vào mô gọi là lớp lót nằm sâu bên dưới da. Viêm cân hoại tử cần phải được cấp cứu ngay, bệnh lý này gây tổn thương da nghiêm trọng, đau đớn và có thể lan khắp cơ thể.

 

Khi nào nên đi khám bác sĩ

Người có vết thương nên đi khám nếu:

  • Vết thương lớn, sâu hoặc có mép lởm chởm

  • Mép vết thương không dính vào nhau

  • Các triệu chứng nhiễm trùng xảy ra, chẳng hạn như sốt, đau ngày càng tăng hoặc tấy đỏ hoặc chảy dịch từ vết thương

  • Không thể làm sạch vết thương đúng cách hoặc loại bỏ tất cả các mảnh vụn, chẳng hạn như cỏ hoặc sỏi

  • Nguyên nhân của vết thương là vết cắn hoặc vết thương do vật bẩn, rỉ sét gây nên

  • Một người nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu máu chảy ra từ vết thương hoặc nếu việc ấn lên vết thương không cầm được máu.

 

Các câu hỏi thường gặp về vết thương bị nhiễm trùng

Q: Làm thế nào để biết vết thương của tôi đang lành hay bị nhiễm trùng?

Các dấu hiệu cho thấy vết thương không lành đúng cách và có thể bị nhiễm trùng bao gồm cảm giác ấm khi chạm vào, sưng, tiết dịch hoặc mủ, đau kéo dài hoặc sốt.

 

Q: Vết thương hoặc vết cắt bị nhiễm trùng có thể tự lành được không?

Một số vết thương nhiễm trùng nhẹ có thể tự lành, nhưng nếu vết thương bắt đầu tiết dịch nhiều hơn, vết đỏ xung quanh lan rộng hoặc nếu một người bị sốt, người đó nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế thêm.

 

Q: Làm thế nào để biết liệu tôi có bị viêm cân hoại tử hay không?

Khi một người bị viêm cân hoại tử, họ có thể cảm thấy đau dữ dội, cơn đau trầm trọng hơn theo thời gian và gặp các triệu chứng giống như cúm. Họ cũng có thể bị mất nước. Một người có những triệu chứng này nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Nếu không được điều trị kịp thời, vết thương sẽ sưng tấy và có thể chuyển sang màu tím. Sau đó, các mụn nước sẽ phát triển rỉ ra chất dịch sẫm màu. Đây là dấu hiệu mô đang chết hoặc hoại tử. Nhiễm trùng sau đó sẽ lan ra ngoài vết thương ban đầu và đe dọa tính mạng.

 

Tổng kết

Nhiễm trùng vết thương có thể xảy ra nếu vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi bên trong vết thương. Ngay lập tức làm sạch và băng vết thương, vết xước và các vết thương nhỏ khác là cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên, những người có vết thương lớn hơn, sâu hơn hoặc nghiêm trọng hơn nên đến bệnh viện để điều trị vết thương.

Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng vết thương bao gồm cơn đau ngày càng tăng, sưng tấy và đỏ quanh vùng bị ảnh hưởng. Một người có thể điều trị nhiễm trùng nhẹ ở vết thương nhỏ tại nhà bằng cách làm sạch và băng bó vết thương.

Tuy nhiên, nhiễm trùng vết thương nghiêm trọng hơn cần được chăm sóc y tế kịp thời, đặc biệt là sốt, cảm thấy không khỏe hoặc chảy dịch và có vệt đỏ từ vết thương.


Theo Medical News Today.
 

Hiểu cách thức chữa lành vết thương và dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng như thế nào trong quá trình chữa lành là bước đầu tiên trên con đường phục hồi. Chúc vết thương của bạn chóng lành!

Để được tư vấn về các loại băng gạc cho vết thương và hướng dẫn chăm sóc vết thương đúng cách, hãy liên hệ ngay với chúng tôi

Công ty TNHH Thương mại Quốc tế MERINCO 
Nhà phân phối uy tín các thiết bị y tế gia đình và bệnh viện tại Việt Nam 

Văn phòng 1: P.2304, toà nhà HH2 Bắc Hà. Số 15 Tố Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội
Văn phòng 2: Số 2 LK9 Khu nhà ở cục cảnh sát hình sự Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội
Hotline: 0877568658 - 02437765118
Email: merinco.sales@gmail.com
Website:  merinco.com.vn / meplus.vn / merinco.vn

Facebook Top
Zalo