Giỏ hàng

5 thắc mắc trong quá trình chăm sóc vết thương thường gặp

Chấn thương là điều chắc chắn không thể tránh khỏi trong quá trình sinh hoạt và lao động. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chăm sóc vết thương như thế nào là đúng cách. Bài viết này sẽ giải đáp 5 thắc mắc thường gặp trong quá trình chăm sóc vết thương và cách chăm sóc vết thương đúng.

5 thắc mắc trong quá trình chăm sóc vết thương thường gặp

Có nên làm sạch vết thương bằng oxy già hoặc cồn đỏ không?

Oxy già hoặc cồn đỏ thực sự có thể gây hại cho mô và làm chậm quá trình lành thương. Cách tốt nhất để làm sạch các vết thương nông, nhẹ là rửa nước sạch với xà phòng dịu nhẹ ít nhất 5 phút để loại bỏ bụi bẩn, vật lạ và vi khuẩn; sau đó nên làm sạch lại lần nữa với nước muối sinh lý. Những vết thương lớn, sâu hoặc chảy máu không ngừng cần được bác sĩ chuyên khoa điều trị.

Tại sao vết thương cần phải được giữ ẩm? 

Việc giữ ẩm vết thương giúp cho vết thương mau lành hơn, đồng thời cũng giúp băng gạc không dính vết thương. Điều này đặc biệt hữu ích cho các vết thương lớn và vết trầy xước. Để tránh nhiễm trùng, bạn cần vệ sinh vết thương và vùng da xung quanh sạch sẽ, và bôi một lớp mỏng thuốc mỡ kháng sinh. Ngoài cách này, bạn có thể sử dụng luôn băng gạc tiên tiến như băng gạc xốp, miếng dán hydrocolloid... Những loại băng gạc y tế này có tác dụng tự tạo môi trường ẩm tối ưu cho vết thương.

Băng kín vết xước thì làm sao vết thương được thông thoáng và mau lành?

Việc băng bó có thể bảo vệ khu vực bị thương khỏi cọ xát với quần áo, bụi bẩn và vi khuẩn, từ đó giúp vết thương mau lành hơn. Để giảm nguy cơ nhiễm trùng, hãy luôn vệ sinh vết thương sạch sẽ trước khi băng bó. Với vết cắt, băng gạc y tế, chẳng hạn như miếng dán thay chỉ khâu 3M, cũng có thể giúp kéo hai mép vết thương lại với nhau. Khi sử dụng băng keo cá nhân, hãy dán nó dọc theo chiều ngang của vết thương, không dán theo chiều dọc.

Làm sao để tháo băng không dính vào vết thương?

Việc tháo băng mạnh và nhanh có thể làm bong lớp mô hạt mới khiến vết thương tổn thương trở lại. Thay vào đó, hãy tháo lớp băng ra từ từ và nhẹ nhàng. Nếu có cảm giác miếng gạc bên trong băng bị dính vào vết thương, hãy ngâm vùng vết thương được băng bó trong nước ấm để làm mềm gạc. Để tránh lông dính vào xung quanh mép vết thương, hãy kéo dần miếng băng theo hướng lông mọc.

Chườm bơ (nấu ăn) vào vết bỏng có được không?

Chườm bơ và đá lạnh lên vết bỏng sẽ không giúp ích gì mà còn khiến vết bỏng bị tổn thương nặng hơn. Đối với vết bỏng nhẹ, chườm mát hoặc ngâm dưới vòi nước mát cho đến khi cơn đau dịu đi. Nếu vết bỏng bị phồng rộp thì hãy băng lại với băng gạc vô trùng để bảo vệ vùng da tổn thương này. Lưu ý không quấn băng quá chặt, tránh làm vỡ nốt rộp nước gây nhiễm trùng vết thương.

Chăm sóc vết thương thế nào cho đúng cách?

Cầm máu vết thương

Máu giúp làm sạch vết thương, nên chảy một ít máu là tốt. Hầu hết các vết cắt và vết xước nhỏ đều cầm máu khá nhanh, bạn có thể dùng gạc hoặc khăn giấy ấn nhẹ lên vết thương. Nếu máu thấm qua, hãy đặt thêm một miếng gạc hoặc khăn giấy khác lên trên, đừng gỡ miếng băng cũ ra, nếu không vết thương có thể bị rách và chảy máu trở lại.

Làm sạch vết cắt và vết trầy xước nhẹ nhàng

Đầu tiên cần làm dịu và làm sạch vết thương bằng nước mát. Dùng nhíp được khử trùng bằng bông tẩm cồn để gắp sỏi hoặc mảnh vụn nếu có. Sau đó, nhẹ nhàng rửa xung quanh vết thương với xà phòng và để vết thương khô tự nhiên hoặc lấy khăn thấm khô. Không sử dụng xà phòng tẩy rửa mạnh, iốt, rượu hoặc oxy già, cồn đỏ. Tất cả những gì bạn cần là nước máy sạch.

Bôi thuốc mỡ kháng sinh nếu cần

Kem và thuốc mỡ kháng sinh không chỉ giữ ẩm cho vết thương mà còn có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng. Trước khi bôi thuốc mỡ kháng sinh đảm bảo vết thương đã được làm sạch và chỉ cần bôi một lớp mỏng là được. Tuy nhiên, một số thành phần kháng sinh trong kem có thể gây phát ban ở một số người, do đó khi bị phát ban, ngừng sử dụng ngay.

Băng bó vết thương là cần thiết

Vết xước hoặc vết thương lên vảy nếu không được che chắn có nguy cơ tái phát hoặc nhiễm trùng nếu bị quần áo cọ xát nhiều. Nếu thấy phân vân, hãy cứ băng vết thương lại để tránh vi khuẩn và nên thay băng hàng ngày. Một số băng dán vết thương sử dụng chất keo cao su có thể dễ gây kích ứng với da hơn và thường để lại vệt keo trên da. Để an toàn, nhất là đối với người có làn da nhạy cảm, hãy chuyển sang sử dụng băng gạc, băng keo giấy dùng chất keo acrylic hoặc băng gạc không dính.

Dấu hiệu lành vết thương

Cơ thể bắt đầu quá trình chữa lành vết thương ngay sau khi da bị tổn thương. Các tế bào bạch cầu tấn công vi khuẩn gây nhiễm trùng. Tiểu cầu, hồng cầu và protein fibrin sẽ tạo ra cục máu đông giống như thạch trên vết thương và nhanh chóng hình thành vảy bảo vệ. Nếu vết thương bị ngứa, chỉ nên xoa nhẹ vùng da xung quanh vết thương, tuyệt đối không gãi mạnh.

Nhận biết dấu hiệu nhiễm trùng vết thương

Nếu vết thương của bạn tiết dịch xanh hoặc vàng, vùng da xung quanh bị đỏ và ngày càng lan rộng, sưng tấy, nóng hoặc đau, thì có thể bạn đang bị nhiễm trùng. Một số dấu hiệu khác bao gồm sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách hoặc háng, đau nhức cơ thể, ớn lạnh hoặc sốt. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Những vết thương mà bạn cần đến bác sĩ

  • Vết thương không ngừng chảy máu sau 5-10 phút cầm máu
  • Vết thương sâu hơn hoặc dài hơn 1 cm
  • Vết thương ở gần mắt
  • Vết thương bị hở hoặc rách sâu
  • Vết thương bị đâm do một cái gì đó bẩn hoặc rỉ sét
  • Vết thương có bụi bẩn hoặc sỏi cát kẹt bên trong
  • Vết thương rất đau
  • Vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng
  • Vết thương do động vật cắn

Ngoài ra, hãy đi khám bác sĩ nếu bạn không chắc chắn liệu mình đã tiêm vắc xin uốn ván chưa.

Theo WebMD

 

    Để được tư vấn về các loại băng gạc cho vết thương và hướng dẫn chăm sóc vết thương đúng cách, hãy liên hệ ngay với chúng tôi

    Công ty TNHH Thương mại Quốc tế MERINCO 
    Nhà phân phối uy tín các thiết bị y tế gia đình và bệnh viện tại Việt Nam 

    Văn phòng 1: P.2304, toà nhà HH2 Bắc Hà. Số 15 Tố Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội
    Văn phòng 2: Số 2 LK9 Khu nhà ở cục cảnh sát hình sự Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội
    Hotline: 0877568658 - 02437765118
    Email: merinco.sales@gmail.com
    Website:  merinco.com.vn / meplus.vn / merinco.vn

    Facebook Top
    Zalo