Giỏ hàng

Phẫu thuật cắt lọc vết thương

Cắt lọc vết thương là tiền đề để thúc đẩy quá trình tái tạo biểu mô giúp vết thương mau lành. Điều này rất cần thiết đối với những vết thương không thuyên giảm.

Nội dung bài viết được tham khảo trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ (PUBMED)

Cắt lọc vết thương là gì?

Cắt lọc là phương pháp loại bỏ mô chết, hoại tử, loại bỏ dị vật, cắt bỏ mép vết thương xơ chai giúp phá bỏ ngóc ngách, vùng trũng tụ dịch, giảm thiểu biofilm, tăng máu nuôi và oxy vào vết thương, từ đó chuyển tình trạng vết thương mãn tính sang tình trạng mới với môi trường gần như vết thương cấp tính nhằm tăng điều kiện liền vết thương, thuận lợi cho điều trị.

Màng biofilm là một trong những rào cản lớn đối với việc chữa lành vết thương

Tại sao phải cắt lọc vết thương? Cắt lọc vết thương được thực hiện trong trường hợp vết thương nhiễm trùng nặng, hoại tử, có mùi hôi nhằm loại bỏ lớp biofilm. Nếu không được xử lý kịp thời vùng da bị hoại tử sẽ bị lan rộng, ăn sâu gây đau đớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.

Các phương pháp cắt lọc vết thương

Cắt lọc tự nhiên
Phương pháp cắt lọc này được xảy ra tự nhiên, có tính chọn lọc cao bằng cách sử dụng các tế bào phagocytic và các enzym proteolytic nội sinh để phân hủy mô hoại tử; được chỉ định cho các vết thương không nhiễm trùng và có thể được sử dụng như liệu pháp bổ trợ cho các vết thương nhiễm trùng, chẳng hạn như kết hợp với phương pháp cắt lọc cơ học. 
Được thực hiện với băng xốp ẩm để tạo môi trường ẩm và hệ thống miễn dịch hoạt động tốt, từ đó làm mềm mô hoại tử và từ từ tách nó ra khỏi nền vết thương. Quá trình này sẽ mất vài ngày. Hiệu quả phụ thuộc vào lượng mô chết được loại bỏ và kích thước vết thương, tuy nhiên, nếu không thấy mô hoại tử giảm đáng kể trong vòng 1 hoặc 2 ngày thì nên xem xét lựa chọn phương pháp cắt lọc khác.

Cắt lọc sinh học
Cắt lọc sinh học còn được gọi là liệu pháp giòi, sử dụng ấu trùng vô trùng của loài ruồi chai xanh Lucilia sericata. Đây là một phương pháp cắt lọc mô hoại tử hiệu quả mà không gây đau đớn, đặc biệt thích hợp ở những vết thương lớn. Cơ chế hoạt động chính là giải phóng các enzym proteolitic chứa các chất bài tiết làm tan mô hoại tử ở đáy vết thương. Một số cơ chế khác trong loại cắt lọc này cũng giúp tăng hiệu quả điều trị, bao gồm: 
   • Diệt khuẩn nhờ những ấu trùng giòi ăn và tiêu hóa vi khuẩn. 
   • Ức chế sự phát triển của vi khuẩn bằng cách tiết amoniac vào trong vết thương, làm tăng độ pH của vết thương.
   • Phá vỡ màng sinh học hiện tại và ức chế sự phát triển của màng mới.
   • Ăn mô hoại tử trực tiếp.

Cắt lọc bằng enzym
Đây là phương pháp cắt lọc mô hoại tử vết thương có chọn lọc sử dụng enzym collagense để loại bỏ vi khuẩn Clostridium. Collagenase sẽ tách collagen trong mô hoại tử bằng cách ăn nó. Collagenase và băng giữ ẩm có thể phối hợp với nhau để tăng cường khả năng làm sạch. 
Cắt lọc bằng enzym là giải pháp thay thế chậm hơn so với cắt lọc cơ học và phẫu thuật cắt lọc. Phương pháp này chống chỉ định với các vết thương bị nhiễm trùng nặng, và những bệnh nhân nhạy cảm với thành phần của sản phẩm. Hơn nữa, collagenase không nên sử dụng chung với các sản phẩm có chứa bạc hoặc với dung dịch Dakin.

Cắt lọc bằng dao sắc (phẫu thuật cắt lọc)
Trong phương pháp này, các mô mất khả năng sống (tiết dịch, hoại tử hoặc đóng vảy) được loại bỏ bằng dụng cụ sắc nhọn như dao mổ, Metzenbaum và nạo, cùng các dụng cụ khác. Thủ thuật này có thể thực hiện tại giường bệnh, phòng khám hay trung tâm chăm sóc vết thương, hoặc phòng phẫu thuật, tùy thuộc độ an toàn của gây mê và khả năng kiểm soát các biến chứng hậu phẫu như chảy máu. Chuyên gia y tế phải được đào tạo và có cấp phép thực hiện.
Cắt lọc bằng dao sắc có thể kết hợp với hầu hết các phương pháp cắt lọc vết thương khác sau khi phẫu thuật. Nhược điểm của phương pháp này là có thể gây ra một số biến chứng và chống chỉ định đối với những vết thương còn nguyên vảy và không có bằng chứng lâm sàng về nhiễm trùng mạn tính.

Cắt lọc cơ học
Cắt lọc cơ học là phương pháp làm sạch không chọn lọc, tức là sử dụng lực cơ học để loại bỏ cả mô chết, mảnh vụn và mô sống. Được chỉ định cho các vết thương cấp tính và mãn tính với lượng mô hoại tử trung bình đến nhiều, kể cả khi có nhiễm trùng hay không.  
Tuy nhiên, nếu vết thương có nhiều mô sẹo hơn so với mô chết, bệnh nhân có tuần hoàn kém, và vảy nguyên vẹn mà không có bằng chứng lâm sàng về nhiễm trùng mạn tính, thì phương pháp này không được sử dụng. 

Chỉ định phẫu thuật cắt lọc vết thương

Nhìn chung, cắt lọc được thực hiện để loại bỏ các mô hoại tử, vảy, vi khuẩn tạp nhiễm, màng sinh học biofim và tế bào apoptoic.

Cắt lọc vết thương là một phần quan trọng trong quy trình chăm sóc vết thương bởi đây là tiền đề cho vết thương tái tạo biểu mô. Mô chết nói chung và mô hoại tử nói riêng là nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn. Những mô này hoạt động như một rào cản vật lý đối với quá trình tái tạo biểu mô, ngăn không cho các hợp chất tiếp xúc trực tiếp với nền vết thương, đồng thời ức chế sự hình thành mạch, mô hạt, chất nền ngoại bào (ECM) và tái tạo bề mặt biểu bì. Ngoài ra, sự hiện diện của mô hoại tử có thể gây khó khăn cho bác sĩ lâm sàng trong việc đánh giá chính xác mức độ cũng như độ nghiêm trong của vết thương, thậm chí che giấu các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn có thể xảy ra.

Các chỉ định phổ biến của phẫu thuật cắt lọc vết thương

  1. Loại bỏ nguồn nhiễm trùng huyết, chủ yếu là mô hoại tử.
  2. Loại bỏ nhiễm trùng cục bộ để giảm gánh nặng vi khuẩn, giảm khả năng kháng thuốc điều trị bằng kháng sinh và thu được kết quả nuôi cấy chính xác.
  3. Thu thập các mẫu nuôi cấy sâu được lấy sau khi loại bỏ mảnh mô còn sót lại để đánh giá tình trạng nhiễm trùng dai dẳng và nhu cầu điều trị bằng kháng sinh toàn thân.
  4. Kích thích nền vết thương để hỗ trợ chữa lành và chuẩn bị cho ghép vạt da hoặc da.
Facebook Top
Zalo