Giỏ hàng

Cách chăm sóc vết loét vùng cùng cụt tại nhà

Bệnh nhân bị loét vùng cùng cụt có bệnh nền ổn có thể được chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh và người nhà bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn chăm sóc vết loét cùng cụt của bác sĩ và tái khám đúng hẹn.

Nguyên nhân gây loét vùng cùng cụt

Vết loét vùng cùng cụt thường do:

  • Không kiểm soát tốt phân và nước tiểu. Chất thải tiếp xúc trực tiếp với da lâu dần sẽ gây viêm loét da.
  • Áp lực hoặc ma sát lên vùng cùng cụt do nằm lâu, làm giảm lưu lượng máu đến khu vực này. Nếu không có đủ máu để nuôi dưỡng da, da có thể chết và hình thành vết loét.
  • Suy dinh dưỡng. Thiếu hụt dinh dưỡng làm giảm khả năng lành vết thương và tăng nguy cơ phát triển loét tỳ đè.

Người cao tuổi ít vận động, nằm lâu, người bệnh liệt do tai biến, đột quỵ, chấn thương cột sống hạn chế cử động, có bệnh nền tiểu đường… là những đối tượng nguy cơ cao bị loét tỳ đè vùng cùng cụt.

Cách chăm sóc vết loét vùng cùng cụt tại nhà
Bệnh nhân nằm lâu nên sử dụng đệm hơi để giảm áp lực lên da chống loét tỳ đè vùng cùng cụt
 

Triệu chứng của loét vùng cùng cụt

Vết loét tỳ đè vùng xương cụt được phân chia thành 4 giai đoạn, tăng dần dựa trên mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Trong đó, giai đoạn I là nhẹ nhất và giai đoạn IV là nghiêm trọng nhất.

  • Giai đoạn I: Vùng da đỏ, đau đớn và không chuyển sang màu trắng khi ấn vào là dấu hiệu cho thấy vết loét do tì đè đang hình thành. Khi sờ cảm giác vùng da này cứng và ấm hoặc lạnh hơn so với vùng da xung quanh.
  • Giai đoạn II: Da bong tróc tạo thành vết loét hở nông, biểu hiện như vết phỏng nước bị vỡ ra. Khu vực xung quanh vết loét có thể đỏ và kích ứng. 
  • Giai đoạn III: Mất mô toàn bộ lớp da, hình thành một lỗ hở trũng như một cái hố hoặc vết loét, có thể nhìn thấy mỡ dưới da những không lộ gân, xương hay cơ.
  • Giai đoạn IV: Mất toàn bộ mô da và dưới da, làm lộ gân và cơ, có khi sâu đến tận xương.

Cách chăm sóc cơ bản vết loét cùng cụt tại nhà

Việc điều trị và chăm sóc các vết thương, vết loét vùng cùng cụt nói chung là rất khó khăn. Những vết loét ở giai đoạn I hoặc II thường sẽ lành lại nếu được quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng. Những vết loét ở giai đoạn III và IV thì khó điều trị hơn, có thể mất nhiều thời gian, chi phí và đặc biệt là công sức của người chăm sóc. 

Vết loét có thể được điều trị tại nhà với các trường hợp có bệnh nền ổn. Người bệnh và người nhà bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc phù hợp và hẹn lịch tái khám. 

Dưới đây là cách chăm sóc vết loét tỳ đè vùng cùng cụt tại nhà:

Không nằm đè lên vết thương

  • Nằm đệm hơi chống loét, với các múi khí giúp lưng bệnh nhân không tiếp xúc hoàn toàn với đệm, phân tán lực tỳ đè đều, giảm ma sát và không bí lưng.
  • Xoay trở liên tục, cho bệnh nhân nằm nghiêng trái và nghiêng phải mỗi 1-2 giờ. Lưu ý việc nằm nệm hơi không thay thế cho việc xoay trở người bệnh.

Băng kín giữ vết thương khô sạch

Tuỳ lượng vết thương thấm ra băng, có thể thay băng mỗi ngày hoặc cách ngày. Khi thay băng, đảm bảo dụng cụ vô trùng và lựa chọn dung dịch rửa vết thương phù hợp. 

  • Vết loét giai đoạn I có thể rửa bằng xà phòng nhẹ và nước.
  • Vết loét giai đoạn II nên rửa bằng nước muối sinh lý để loại bỏ mô chết lỏng.
  • Không sử dụng oxy già hoặc cồn đỏ, cồn iot nguyên chất vì chúng có thể làm tổn thương mô da.
  • Băng kín vết thương để tránh nhiễm trùng và giữ ẩm vết thương.
  • Một số gạc, băng dán không thấm nước nên sử dụng như: miếng dán hydrocolloid, gạc xốp therasorb, băng xốp trị loét cùng cụt,…
  • Hầu hết các vết loét giai đoạn III và IV sẽ được điều trị bởi bác sĩ.
Cách chăm sóc vết loét vùng cùng cụt tại nhà
Băng gạc xốp chống loét cho vùng cùng cụt, loét gót chân siêu thấm hút dịch tiết
 

Tránh tạo thêm tổn thương

  • Tránh để phân và nước tiểu dính vào vết thương.
  • Thường xuyên kiểm tra da toàn thân người bệnh, đặc biệt các vùng nhô xương nhằm phòng ngừa và điều trị sớm các tổn thương da khác.
  • Đề phòng lực trượt khi cho bệnh nhân thay đổi tư thế nằm.
  • Nếu vết loét tỳ đè có biến đổi hoặc xuất hiện vết mới, hãy thông báo ngay cho bác sĩ.

Chăm sóc sức khỏe người bệnh

  • Ăn uống đầy đủ dưỡng chất.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Uống thuốc theo toa của bác sĩ.
  • Tái khám đúng theo lịch hẹn.

Ngoài ra, tránh mát xa da gần hoặc xung quanh vết loét vì hành động này có thể làm tổn thương da hơn. Tránh sử dụng đệm hình bánh donut, bởi chúng có thể làm giảm lưu thông máu đến khu vực vết thương, từ đó gây ra vết thương mới.

 

Để được tư vấn về các loại băng gạc cho vết thương và hướng dẫn chăm sóc vết thương đúng cách, hãy liên hệ ngay với chúng tôi

Công ty TNHH Thương mại Quốc tế MERINCO 
Nhà phân phối uy tín các thiết bị y tế gia đình và bệnh viện tại Việt Nam 

Văn phòng 1: P.2304, toà nhà HH2 Bắc Hà. Số 15 Tố Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội
Văn phòng 2: Số 2 LK9 Khu nhà ở cục cảnh sát hình sự Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội
Hotline: 0877568658 - 02437765118
Email: merinco.sales@gmail.com
Website:  merinco.com.vn / meplus.vn / merinco.vn

Facebook Top
Zalo