Giỏ hàng

Omega-3: Những điều thú vị mà không phải ai cũng biết

Omega-3: Những điều thú vị về mà không phải ai cũng biết

Omega-3 được ca ngợi với nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau, bao gồm giảm viêm, cải thiện sức khỏe tim và não bộ. Tuy nhiên, vẫn có một số tranh cãi về hiệu quả và lợi ích của nó đối với sức khỏe con người.

Omega-3 là gì?

Omega-3 là một loại axit béo thuộc nhóm chất béo không bão hòa đa - chất béo tốt giúp xây dựng và duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, cơ thể con người không thể tự sản xuất Omega-3, mà phải bổ sung từ chế độ ăn uống hoặc thuốc.

Trong 5 loại axit béo Omega-3, có 3 loại quan trọng nhất bao gồm DHA (axit docosahexaenoic), EPA (axit eicosapentaenoic) và ALA (axit alpha-linolenic).

Các loại thực phẩm giàu Omega-3 phổ biến bao gồm cá béo, dầu cá, hạt lanh, hạt chia, dầu hạt lanh, quả óc chó, và tảo. Trong đó, các nguồn Omega-3 từ động vật cung cấp DHA và EPA, và các nguồn Omega-3 từ thực vật có xu hướng cung cấp ALA. Tuy nhiên, một số loại tảo cũng chứa EPA.

Hiện tại, vẫn chưa có tiêu chuẩn chính thức nào về lượng Omega-3 tiêu thụ hàng ngày, nhưng hầu hết các chuyên gia khuyên nên nạp 250-300 mg mỗi ngày.

 

Omega-3 có thể làm gì cho sức khỏe?

Omega-3 là một trong những chất dinh dưỡng được nghiên cứu toàn diện nhất trên thế giới. Dưới đây là một số lợi ích đã được chứng minh của Omega-3 đối với sức khỏe con người:

Bảo vệ mắt

DHA là axit béo Omega-3 chính tạo nên võng mạc của mắt. DHA rất cần thiết trong thời kỳ mang thai và khi cho con bú để hỗ trợ sự phát triển sức khỏe mắt ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, có bằng chứng cho thấy bổ sung đầy đủ Omega-3 giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề về mắt, như thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.

Chống viêm

Omega-3 có tác dụng chống viêm và bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại, bởi khi cơ thể phá vỡ Omega-3, cơ thể sẽ sử dụng chúng để tạo ra các hợp chất chống viêm và chất chống oxy hóa. Trên thực tế, viêm mãn tính có liên quan đến sự phát triển của tiểu đường, viêm khớp, bệnh tim và ung thư. Vì vậy, đặc tính chống viêm của Omega-3 có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính này và các triệu chứng viêm.

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Omega-3 có thể giúp cải thiện các chỉ số sức khỏe tim mạch quan trọng và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều bằng chứng nghiên cứu để xác minh điều này. Tại một nghiên cứu kéo dài 6 tuần, việc bổ sung ít nhất 1,2 gam DHA mỗi ngày đã làm giảm đáng kể mức chất béo trung tính và tăng cholesterol “tốt”. Ngoài ra, Omega-3 còn giúp hạ huyết áp, giảm cholesterol “xấu”, và có thể ngăn ngừa tích tụ chất béo, cholesterol và canxi hình thành trong động mạch.

Tăng cường sức khỏe não bộ cho trẻ sơ sinh

Omega-3 rất cần thiết cho sự phát triển não bộ khỏe mạnh của trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ và giai đoạn đầu đời. Trong đó, DHA là axit béo Omega-3 chính cấu tạo nên màng tế bào trong não. Các nghiên cứu cho thấy việc bổ sung đủ lượng EPADHA đều có hiệu quả như nhau trong việc nâng cao mức DHA trong não.

Giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Những thay đổi về sức khỏe não bộ và suy giảm nhận thức là những tác dụng phụ thường gặp của quá trình lão hóa. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy Omega-3 có thể bảo vệ sức khỏe não bộ trong quá trình lão hóa và giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Theo một đánh giá có hệ thống, bổ sung Omega-3 có thể giúp cải thiện nhận thức ở những người có các triệu chứng bệnh Alzheimer nhẹ.

Cải thiện chứng trầm cảm

Omega-3 cũng có thể bảo vệ sức khỏe não bộ bằng cách giảm nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe tâm thần, như tâm thần phân liệt và trầm cảm. Một nghiên cứu năm 2019 với sự tham gia của 2000 người cho thấy EPA giúp cải thiện các triệu chứng của trầm cảm. Ngoài ra, bài đánh giá của GS. Shahidi và GS. Ambigaipalan cũng chỉ ra việc bổ sung dầu cá giúp chống lại chứng trầm cảm trong độ tuổi 15-25.

Hỗ trợ các bệnh tự miễn dịch

Nhiều bệnh tự miễn dịch có thể trở nên tồi tệ hơn do viêm mãn tính, tức là giảm viêm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Bệnh tự miễn dịch là tình trạng hệ miễn dịch nhầm lẫn các tế bào khỏe mạnh và tấn công chúng. Bằng chứng nghiên cứu cho thấy Omega-3 có thể giúp đảo ngược sự tiến triển của các bệnh tự miễn dịch và viêm nhiễm như đa xơ cứng, viêm ruột, và viêm xương khớp.

Giảm tác dụng phụ của điều trị ung thư

Viêm đóng một vai trò trong sự hình thành và phát triển của khối u và các tác dụng phụ của điều trị ung thư. Trong một nghiên cứu năm 2013, cho thấy bổ sung Omega-3 có thể giúp giảm viêm và cải thiện khả năng chịu đựng của các bệnh nhân ung thư với hóa trị.

 

Omega-3 không thể làm gì cho sức khỏe?

Omega-3 giúp cải thiện một số yếu tố sức khỏe nhưng không phải tất cả. Dựa trên các bằng chứng khoa học mới nhất, Omega-3 không thể ngăn ngừa hoặc cải thiện một số tình trạng sau:

Giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim

Trong một phát hiện khác của GS. Shahidi và GS. Ambigaipalan, việc tiêu thụ Omega-3 không làm giảm nguy cơ gặp phải kết quả bất lợi liên quan đến bệnh tim, chẳng hạn như đau tim hoặc đột quỵ, ngay cả ở những người không có tiền sử bệnh. Một phân tích tổng hợp trên 80.000 người cho thấy rằng việc bổ sung Omega-3 không ngăn ngừa tử vong do mọi nguyên nhân cũng như bệnh tim.

Ngăn ngừa cục máu đông

Bằng chứng cho tác dụng chống đông máu của Omega-3 còn thấp và gây nhiều tranh cãi bởi lượng tiêu chuẩn của axit béo Omega-3 từ thực phẩm và chất bổ sung chỉ có tác dụng nhẹ.

Ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tiểu đường

Nhiều bằng chứng cho thấy rằng việc tăng lượng Omega-3 không có tác dụng ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tiểu đường. Nó không ảnh hưởng đến lượng đường trong máu lúc đói, kháng insulin ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và hội chứng chuyển hóa.

Ngăn ngừa ung thư

Những phát hiện ban đầu về tác dụng làm giảm các biến chứng ở một số bệnh ung thư của Omega-3 có vẻ đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng chính xác nào cho rằng Omega-3 có thể ngăn ngừa sự phát triển của bệnh ung thư. Cụ thể hơn, một phân tích tổng hợp trên một triệu người cho thấy tăng lượng chất béo Omega-3 lên 5-15 gam mỗi ngày không những không giảm bớt nguy cơ ung thư phổi mà trong một số trường hợp còn làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi.

 


Omega-3 là chất béo cần thiết đóng vai trò quan trọng trong cơ thể con người, nhưng những phát hiện về nó vẫn gây tranh cãi và không thống nhất. Tốt nhất hãy đến bác sĩ kiểm tra và xin lời khuyên về những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn của Omega-3 trước khi bắt đầu bổ sung mới.

Facebook Top
Zalo