Giỏ hàng

Cách trị bỏng tại nhà: Nên và không nên làm gì?

Bỏng là một trong những tai nạn gia đình phổ biến nhất. Không phải tất cả các vết bỏng đều phải đến bệnh viện chữa trị mà đôi khi mọi người vẫn có thể tự xử lý tại nhà. Bài viết này sẽ mách bạn cách trị bỏng tại nhà nào phù hợp và an toàn, đồng thời hướng dẫn bạn cách nhận biết khi nào bỏng cần được điều trị y tế. 


Khi nào bạn có thể điều trị vết bỏng tại nhà?

Dù là bỏng lửa hay bỏng nước cũng đều khiến bạn khó chịu và đau đớn. Dựa theo mức độ sâu của vết thương hở, bỏng được phân loại theo các mức độ sau.

Các cấp độ của bỏng - Trị bỏng tại nhà an toàn

Bỏng cấp độ 1 được coi là ít nghiêm trọng nhất vì chỉ ảnh hưởng đến lớp da bên ngoài, thường chỉ gây đau nhẹ, đỏ và sưng tấy. Bỏng độ 2 ảnh hưởng đến các lớp sâu hơn của da và gây ra các vết phồng rộp và tích nước bên trong. Bỏng độ 3 làm tổn thương tất cả các lớp của da, trong khi bỏng độ 4 có thể ảnh hường đến cả khớp và xương. Bỏng cấp độ 3 và 4 là trường hợp cần cấp cứu y tế và phải được điều trị tại bệnh viện. Bạn có thể điều trị hầu hết các vết bỏng cấp độ 1 và 2 có đường kính dưới 3 inch tại nhà. 

Vết bỏng cấp độ 1 thường sẽ lành trong vòng 7-10 ngày. Vết bỏng độ 2 thường sẽ mất 2-3 tuần để chữa lành.


Các biện pháp điều trị bỏng tại nhà an toàn 

Nước mát

Điều đầu tiên bạn nên làm khi bị bỏng nhẹ là rửa vết bỏng dưới vòi nước mát khoảng 20 phút để làm dịu vết bỏng và ngăn ngừa tổn thương thêm. 

Sau đó, rửa sạch vết bỏng bằng xà phòng diệt khuẩn nhẹ và nước nhưng không được kỳ cọ để tránh nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng phát triển ở vết bỏng, nó có thể ảnh hưởng đến quá trình liền vết thương.

Chườm mát

Đắp một miếng gạc mát hoặc khăn ướt sạch lên vết bỏng giúp giảm đau và sưng. Bạn có thể chườm trong khoảng thời gian từ 5 đến 15 phút. Lưu ý không chườm quá lạnh vì điều này có thể khiến vết thương bỏng bị kích ứng hơn.

Thuốc mỡ kháng sinh

Bôi thuốc mỡ kháng sinh như Bacitracin hoặc Neosporin giúp ngăn ngừa nhiễm trùng vết thương và giúp vết bỏng mau lành hơn. Sau khi thoa, nên băng vết thương lại với băng gạc vô trùng. Khi tắm, bạn có thể dùng băng gạc vô trùng không thấm nước để che chắn không cho nước, vi khuẩn xâm nhập vào vết thương, giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Băng gạc vô trùng không thấm nước Plaid - Trị bỏng tại nhà an toàn

Nha đam

Nha đam là một thành phần phổ biến trong nhiều loại kem chống nắng và kem dưỡng ẩm. Nó có đặc tính chống viêm, ức chế sự phát triển của vi khuẩn và thúc đẩy tuần hoàn. Nhiều bằng chứng cho thấy lô hội có hiệu quả trong việc chữa lành vết bỏng cấp độ 1 đến cấp độ 2. 

Lấy một lớp mỏng gel nguyên chất từ lá cây lô hội thoa lên vùng da bị bỏng. Nếu mua gel bôi ngoài cửa hàng, bạn nên lựa chọn sản phẩm có chứa lô hội với tỷ lệ cao và tránh các sản phẩm có chất phụ gia.

Mật ong

Ngoài hương vị thơm ngon, mật ong còn là một chất chống viêm và kháng khuẩn tự nhiên. Một đánh giá năm 2018 cho thấy mật ong có thể mang lại một số lợi ích lâm sàng cho vết bỏng.

Cho một ít mật ong vào một miếng gạc, sau đó đặt lên vết bỏng có thể giúp khử trùng, làm dịu vùng da bị bỏng, giảm bớt phần nào cơn đau.

Tuy nhiên, vẫn có đánh giá cho rằng bằng chứng chứng minh còn hạn chế.

Băng bó

Băng bó được xem như là hàng rào chống lại sự tấn công của bụi bẩn, vi khuẩn, bảo vệ vết bỏng khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, điều này có thể chỉ cần thiết đối với những vết bỏng hở. 

Khi băng vết bỏng, quấn băng lỏng và tránh dán băng dính y tế trực tiếp lên vết thương. Ngoài việc băng bó truyền thống, bạn có thể sử dụng băng dán hydrocolloid cho vết bỏng.

Băng dán Hydrocolloid - Trị bỏng tại nhà an toàn

Băng dán hydrocolloid chuyên dùng cho các vết thương có dịch tiết ít đến trung bình như bỏng, trầy xước,..., có khả năng tự dính mà không cần băng keo giấy y tế, đặc biệt không bị thấm nước. Khi tiếp xúc với vết thương, băng giúp hút dịch tiết, loại bỏ mô hoại tử, cấp ẩm và giữ sạch vết thương. Từ đó, tạo điều kiện cho vết thương mau lành, hạn chế hình thành sẹo xấu (sẹo lồi hay sẹo lõm). 

Giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Vùng da bị bỏng sẽ rất nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Khi ra ngoài trời nắng, bạn nên mặc quần áo rộng rãi để che chắn và tránh ma sát với vết thương hở. 

Uống thuốc giảm đau không kê đơn

Bỏng độ 1 và 2 cũng gây đau đớn nên bạn có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm đau và sưng tấy. Ibuprofen là một lựa chọn an toàn và hiệu quả. Đây là loại thuốc chống viêm không chứa steroid. Tuy nhiên, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì để biết chính xác liều lượng sử dụng.


Các biện pháp cần tránh

Bơ (chế phẩm sữa)

Nhiều người nghĩ rằng thoa bơ lên ​​vết bỏng sẽ đẩy nhanh quá trình liền vết thương. Nhưng hiện vẫn không có bằng chứng khoa học nào ủng hộ biện pháp này bởi bơ có thể giữ nhiệt khiến vết bỏng ngày càng nặng hơn.

Lòng trắng trứng

Lòng trắng trứng chưa nấu chín có nguy cơ nhiễm vi khuẩn. Do đó, khi bôi lòng trắng trứng vào vết bỏng có khả năng lây lan nhiều vi khuẩn hơn vào vết bỏng, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trứng cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.

Đá

Nhiều người sử dụng nước đá lạnh ngay khi mới bị bỏng vì nghĩ rằng nhiệt độ lạnh của nước đá sẽ làm mát vùng da bị bỏng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nước đá có thể gây hại nhiều hơn lợi và có thể gây kích ứng thêm cho vùng da bị bỏng. Bạn có thể bị bỏng lạnh sau khi để vết bỏng tiếp xúc với nước đá.

Kem đánh răng

Một số người tin rằng bôi kem đánh răng lên vết bỏng có thể giúp ích. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp dành cho bỏng. Kem đánh răng không được khử trùng và có thể khiến vi khuẩn lây lan vào vết bỏng.


Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ

Mặc dù bỏng cấp độ 1 và 2 thường không cần chăm sóc y tế, nhưng mọi người nên theo dõi vết bỏng để nhận biết các dấu hiệu trở nên tồi tệ hơn.

Bỏng độ 1 có thể phát triển thành bỏng độ 2. Da có thể xuất hiện các triệu chứng tổn thương sâu hơn sau vài giờ. Nếu một người bị bỏng độ 2 mà không cải thiện hoặc nặng hơn, họ nên tìm kiếm sự điều trị y tế.

Những điều cần chú ý

  • vết bỏng có diện tích da lớn hơn 3 inch
  • bỏng quanh khớp, chẳng hạn như đầu gối và khuỷu tay
  • vết bỏng ảnh hưởng đến mặt, bẹn, bàn chân, bàn tay hoặc mông

Bỏng độ 3 và 4 cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Các bác sĩ thường coi những vết bỏng này là nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bạn không nên thử các biện pháp điều trị tại nhà khi vết bỏng nặng đến mức này.

Tham khảo: Healthline
Facebook Top
Zalo