Giỏ hàng

Quản Lý Tiểu Đường: Lối Sống và Thói Quen Sinh Hoạt ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết

Để quản lý tiểu đường một cách hiệu quả, người bệnh cần phải nắm được một số kiến thức cơ bản quan trọng về căn bệnh. Họ cần biết những yếu tố nào làm tăng hoặc giảm đường huyết và học cách kiểm soát chúng hiệu quả hàng ngày.

Thức ăn

Một chế độ ăn uống khoa học là chìa khóa cho một lối sống lành mạnh - dù có hay không có bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, người tiểu đường cần phải biết loại đồ ăn nào ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Người bệnh không những cần biết về những loại đồ ăn họ có thể ăn và ảnh hưởng của việc kết hợp các loại đồ ăn, mà họ cũng cần phải nắm rõ lượng thức ăn có thể nạp vào mỗi lần.

Điều cần biết:

  • Học cách đếm lượng carbohydrate trong thức ăn. Carbohydrate có ảnh hưởng lớn nhất tới lượng đường trong máu, vì vậy chìa khóa cho mọi chế độ ăn dành cho bệnh tiếu đường là đếm lượng carbohydrate trong thức ăn. Carbohydrate là thành phần chính của nhiều loại thức ăn có chứa tinh bột. Những người tiêm insulin trong bữa ăn cần nắm được lượng carbohydrate nạp vào khi ăn để xác định chính xác nhất liều lượng insulin nạp vào.

  • Kiểm soát khẩu phần ăn. Mỗi một loại thức ăn có khẩu phần phù hợp dành cho người bệnh tiểu đường khác nhau. Đơn giản hóa thực đơn hàng ngày bằng cách ghi lại khẩu phần cho từng loại thức ăn bạn hay ăn, đong đếm kĩ càng và ghi lại lượng carbohydrate chính xác của từng món.

  • Có một chế độ ăn uống cân bằng. Hãy lên kế hoạch cho mọi bữa ăn trong khả năng có thể. Mỗi bữa ăn phải có đầy đủ tinh bột, hoa quả, rau, protein, và chất béo, và hãy chọn loại carbohydrate tốt cho sức khỏe. Một số loại thức ăn có chứa carbohydrates như hoa quả, rau củ và hạt ngũ cốc nguyên cám sẽ tốt cho sức khỏe người tiểu đường hơn. Những loại thức ăn này có hàm lượng carbohydrate thấp và nhiều chất xơ, giúp giữ cho lượng đường trong máu luôn ổn định. Ngoài ra, có thể liên lạc với bác sĩ chuyên môn để biết thêm về những loại thức ăn phù hợp nhất và một chế độ dinh dưỡng cân bằng từ nhiều loại thực phẩm.

  • Kết hợp hài hòa giữa việc ăn và uống thuốc. Ăn quá ít so với lượng thuốc cần nạp, đặc biệt là insulin, có thể dẫn tới chứng hạ đường huyết (hypoglycemia) rất nguy hiểm. Ngược lại, ăn quá nhiều sẽ dẫn tới lượng đường trong máu leo cao, đặc biệt nguy hiểm cho người bệnh tiểu đường. Do đó, hãy tham khảo bác sĩ để có một chế độ ăn uống kết hợp uống thuốc hiệu quả và phù hợp với thói quen sống nhất.

  • Tránh đồ uống có đường. Thức uống có đường có hàm lượng calo cao nhưng ít chất dinh dưỡng. Sử dụng những loại thức uống này dẫn tới lượng đường trong máu tăng cao trong một khoảng thời gian ngắn. Vì vậy, cách tốt nhất là tránh sử dụng những loại đồ uống có đường nếu bạn đang mắc bệnh tiểu đường. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là khi bị hạ đường huyết đột ngột; lúc này, các loại đồ uống có đường như nước ngọt có ga, nước hoa quả hoặc thức uống bổ sung năng lượng và điện giải sẽ giúp ích rất nhiều để đưa lượng đường huyết tăng trở lại.

Tập thể dục

Hoạt động thể chất đóng một vai trò rất quan trọng trong việc quản lý bệnh tiểu đường. Khi bạn tập thể dục, các cơ sử dụng đường glucose để tạo ra năng lượng. Tập thể dục thường xuyên cũng giúp cơ thể hấp thụ insulin hiệu quả hơn. Hai yếu tố này kết hợp lại sẽ giúp giảm lượng đường trong máu rất hiệu quả.

Những bài tập càng đòi hỏi nhiều sức lực lại càng có hiệu quả hơn trong việc kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, kể cả những công việc nhẹ hàng ngày như làm việc nhà, làm vườn, hoặc đứng hay đi lại trong thời gian dài cũng có hiệu quả nhất định.

Điều cần biết:

  • Tham khảo bác sĩ lên kế hoạch hoạt động thể chất phù hợp. Nhờ bác sĩ tư vấn về những bài tập thể dục hay môn thể thao phù hợp nhất với bản thân. Theo khuyến nghị, hầu hết người trưởng thành nên tập thể dục ít nhất 150 phút/tuần. Trong một tuần, hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Nếu bạn chưa quen, hãy kiểm tra sức khỏe trước và tham khảo các bài tập vận động kết hợp với các bài tập cơ phù hợp.

  • Lên lịch tập thể dục cố định. Hãy hỏi bác sĩ về thời điểm thích hợp để tập thể dục trong ngày. Thời gian thể dục cần phù hợp với kế hoạch ăn và uống thuốc trong ngày.

  • Nắm rõ lượng đường trong máu trước khi bắt đầu tập. Tham khảo bác sĩ chuyên môn về khoảng đường máu thích hợp khi bạn tập thể dục. 

  • Kiểm tra, test đường huyết trước, trong, và sau khi tập. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn cần tiêm insulin hoặc uống thuốc để giảm đường huyết. Các bài tập thể dục có thể giảm lượng glucose trong máu cho tới 1 ngày sau, nhất là khi mới bắt đầu tập thể dục hoặc tập bài nặng. Hãy chú ý tới những dấu hiệu của hạ đường huyết như run rẩy, mệt mỏi, đói, chóng mặt, dễ nổi cáu hoặc lo lắng. Nếu bạn sử dụng insulin và lượng đường huyến giảm xuống dưới 90mg/dL, hãy ăn nhẹ trước khi tập thể dục để tránh bị hạ đường huyết trong lúc tập.

  • Uống đủ nước. Hãy uống nhiều nước trong khi tập thể dục bởi cơ thể mất nước có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

  • Chuẩn bị đầy đủ trước khi tập. Chuẩn bị sẵn vài loại đồ ăn nhẹ hoặc viên đường glucose bên cạnh trong khi tập thể dục đề phòng trường hợp lượng đường trong máu giảm thấp. Nếu có thể, hãy đeo vòng báo bệnh (Medical ID Bracelet) để chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp.

  • Thay đổi kế hoạch điều trị cho phù hợp. Nếu dùng insulin, bạn có thể sẽ cần phải giảm liều insulin nạp vào trước khi tập thể dục và theo dõi đường huyết thường xuyên kể cả nhiều giờ sau khi tập thể dục nặng đề phòng hạ đường huyết. Các bác sĩ sẽ cho bạn biết cần thay đổi liều lượng thuốc ra sao cho thích hợp với bạn. Nếu tăng cường thói quen tập thể dục hơn nữa, bạn có thể phải thay đổi cả kế hoạch điều trị.

Sử dụng thuốc điều trị

Insulin và các loại thuốc điều trị đái tháo đường khác được sử dụng để giảm lượng đường trong máu khi chế độ ăn uống và vận động thể chất không thể giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu quả do các loại thuốc này mang lại còn phụ thuộc vào thời điểm sử dụng và liều lượng sử dụng. Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh lý khác cũng sẽ gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. 

Điều cần biết:

  • Bảo quản insulin đúng cách. Insulin không được bảo quản đúng cách hoặc quá hạn sử dụng sẽ không có hiệu quả. Insulin đặc biệt nhạy cảm khi dao động nhiệt độ quá lớn.

  • Thông báo với bác sĩ kịp thời. Nếu thuốc điều trị tiểu đường hiện đang sử dụng làm lượng đường huyết xuống hạ quá thấp hoặc tăng quá cao, thì cần phải thay đổi liều lượng và thời gian sử dụng.

  • Thận trọng với thuốc điều trị mới. Khi tiếp nhận một loại thuốc mới, dù mua ở hiệu thuốc hay bác sĩ kê đơn để chữa một bệnh lý khác chẳng hạn như cao huyết áp hoặc cholesterol cao, hãy hỏi kĩ bác sĩ hoặc dược sĩ về sự ảnh hưởng của loại thuốc mới này với lượng đường trong máu. Trong một vài trường hợp, người bệnh sẽ được kê một loại thuốc khác thay thế nếu chúng có thể ảnh hưởng đến lượng đường huyết. Vì vậy, hãy hỏi kĩ trước khi mua bất kì loại thuốc nào.

>>> Xem tiếp tại đây
Facebook Top
Zalo