Giỏ hàng

Hạ đường huyết và tiểu đường ở trẻ em

Hạ đường huyết là gì?

Khi mức độ đường glucose trong máu (đường huyết) hạ xuống quá thấp, tình trạng này được gọi là hạ đường huyết. Đối với người tiểu đường, hạ đường huyết xảy ra khi mức độ đường huyết hạ xuống dưới mức an toàn theo chỉ định của bác sĩ. 

Hạ đường huyết và tiểu đường ở trẻ em

Mức đường huyết hơi thấp hơn mức an toàn có thể sẽ không xảy ra triệu chứng gì. Tuy nhiên, đường huyết ở mức quá thấp sẽ dẫn đến những triệu chứng nghiêm trọng cần chăm sóc y tế ngay lập tức.

Dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết

Hạ đường huyết mức độ nhẹ có thể gây ra các triệu chứng như sau:

  • Chân tay run rẩy
  • Tim đập nhanh
  • Da nhợt nhạt, chảy nhiều mồ hôi
  • Đau đầu
  • Mắt mờ
  • Đói cồn cào
  • Đầu óc lâng lâng, chóng mặt
  • Mệt mỏi
  • Tâm trạng ủ rũ
  • Gặp nhiều ác mộng

Hạ đường huyết nặng sẽ gây ra những triệu chứng:

  • Đầu óc lú lẫn
  • Co giật 
  • Không phản ứng hoặc không thể tỉnh dậy 

Cha mẹ nên dạy trẻ về các triệu chứng của việc hạ đường huyết và cách ứng phó các tình huống có thể xảy ra. Kể cả các trẻ nhỏ chưa biết cách miêu tả triệu chứng của bản thân cũng có thể nói cho người lớn rằng bé cảm thấy không khỏe. Vì vậy hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng chúng cần tìm kiếm sự giúp đỡ người lớn khi thấy cơ thể không ổn. 

Một số người tiểu đường không thể cảm nhận được các dấu hiệu sớm của đường huyết thấp nên họ sẽ không biết họ cần điều trị kịp thời. Việc này sẽ dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng hơn khi đường huyết tiếp tục hạ. Do vậy, quý phụ huynh hãy thảo luận với bác sĩ khi nhận ra rằng bé không thể cảm nhận các dấu hiệu sớm của việc hạ đường huyết. 

Nguyên nhân gây hạ đường huyết

Hạ đường huyết có thể xảy ra từ nhiều nguyên do. Bất kỳ ai mắc tiểu đường cũng có thể bị hạ đường huyết dù đã rất cẩn thận trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân. Đường huyết có thể giảm khi bé:

  • bỏ bữa hoặc ăn muộn, hoặc bé không ăn đủ tinh bột trong khi bé đang uống thuốc tiểu đường. Điều này đặc biệt dễ xảy ra khi bé bị ốm và bị mất khẩu vị ăn, buồn nôn, hoặc nôn mửa. 
  • sử dụng quá liều hay sai loại insulin, hoặc sử dụng insulin không đúng thời điểm.
  • vận động quá đà mà không ăn vặt để bù chất.
  • đang được thay đổi liều insulin theo chỉ định.

Cách chẩn đoán hạ đường huyết

Cách duy nhất để biết được ai đó đang bị hạ đường huyết là test thử đường huyết. Nếu cha mẹ nghi ngờ bé đang bị hạ đường huyết, hãy test thử máu nếu có thể. Nhưng nếu không kịp thử máu, hãy nhanh chóng điều trị để tránh việc các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Điều trị hạ đường huyết

Khi đường huyết của bé giảm, cha mẹ phải nhanh chóng nâng cao lượng đường glucose trong máu lên mức an toàn. Hãy làm theo các bước đơn giản như sau khi bé còn tỉnh táo:

  • Kiểm tra mức đường huyết khi có thể để kiểm chứng rằng bé đang bị hạ đường huyết. Nếu không thể kiểm tra, đừng chần chừ trong việc điều trị các triệu chứng cho bé. Cha mẹ luôn có thể kiểm tra lại sau khi đã điều trị cho trẻ.

  • Cho bé đường. Cho bé đồ ăn hoặc thức uống nhiều đường để nâng mức đường huyết lên nhanh chóng. Các loại nước ngọt, nước hoa quả, hay kem bánh gato là những sự lựa chọn tốt. Ngoài ra, cũng có thể cho bé uống viên đường glucose hoặc gel năng lượng (gel glucose). Hãy làm theo chỉ định của bác sĩ nếu cha mẹ hay người thân đã có thông tin này. Nếu không, hãy cho bé khoảng 15 gam đường, tương tự với 120 mL nước hoa quả. Các triệu chứng sẽ biến mất sau khoảng 10 phút kể từ khi bé nạp đường. 

  • Kiểm tra lại đường huyết 15 phút sau khi bé nạp đường để chắc chắn rằng đường huyết của bé đã trở lại mức an toàn. 

Cha mẹ có thể lặp lại các bước trên cho đến khi mức độ đường huyết của bé ở trong mức an toàn.

Nếu bé không thể ăn uống, không còn tỉnh táo, hoặc co giật, hãy tiêm cho bé thuốc glucagon ngay lập tức. Ngay sau đó, gọi cấp cứu. Đừng cho bé ăn hay uống bất cứ gì bằng miệng đến khi bé tỉnh táo trở lại. Sau khi tiêm glucagon, trẻ sẽ trở nên tỉnh táo và ổn định hơn trong vòng 15 phút. Nếu bé đã đủ tỉnh táo để ăn uống, cho bé đồ ăn và thức uống nhiều đường để tránh việc đường huyết giảm lại. 

Nếu đã tiêm cho trẻ glucagon, hãy báo cho bác sĩ biết việc này. Một cơn hạ đường huyết nghiêm trọng có thể là dấu hiệu cho thấy kế hoạch chăm sóc tiểu đường của trẻ cần thay đổi. 

Phòng tránh hạ đường huyết tiểu đường ở trẻ em

Bất kỳ trẻ nào mắc tiểu đường cũng sẽ có những đợt hạ đường huyết nhẹ. Rất hiếm khi phải gọi cấp cứu khẩn do tình trạng này. Vì vậy, cha mẹ, người thân có thể giúp bé phòng tránh những đợt hạ đường huyết với một vài mẹo nhỏ sau đây:

» Theo sát kế hoạch quản lý tiểu đường của trẻ. Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về thời điểm của:

  • các bữa ăn
  • liều lượng insulin
  • vận động, thể thao
  • kiểm tra đường huyết thường xuyên

» Theo dõi và điều chỉnh lượng đường trước và sau khi vận động. Hãy chắc chắn rằng trẻ có đủ đồ ăn vặt để tăng lại đường huyết khi cần. 

» Mang theo kẹo trong người và cho trẻ ăn khi có dấu hiệu hạ đường huyết.

» Dạy cho các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ, và thầy cô giáo về các dấu hiệu của hạ đường huyết; cách tiêm glucagon và thời điểm phù hợp để tiêm; khi nào là cần thiết để gọi cấp cứu. 

» Làm cho bé một chiếc ID y tế. ID y tế có thể là một chiếc vòng tay hoặc vòng cổ ghi rằng bé mắc tiểu đường, và thông tin liên lạc phòng trường hợp cấp cứu. 

Nguồn: KidsHealth

 

Để được tư vấn và hỗ trợ về các vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường, hãy liên hệ ngay với chúng tôi

Công ty TNHH Thương mại Quốc tế MERINCO 
- Nhà phân phối uy tín các thiết bị y tế gia đình và bệnh viện tại Việt Nam

Văn phòng 1: P.2304, toà nhà HH2 Bắc Hà. Số 15 Tố Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội
Văn phòng 2: Số 2 LK9 Khu nhà ở cục cảnh sát hình sự Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội
Hotline: 0877568658 - 02437765118
Email: merinco.sales@gmail.com
Website:  merinco.com.vn / meplus.vn / merinco.vn

Facebook Top
Zalo