Làm thế nào để tăng cường khả năng miễn dịch
Nói một cách ngắn gọn, hệ miễn dịch có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn và virus gây bệnh, nhưng đôi khi nó không thể làm tốt nhiệm vụ này. Nếu một loại vi khuẩn hay virus xâm nhập vào cơ thể khiến bạn bị bệnh, bạn có thể can thiệp vào quá trình này bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, sử dụng một số chế phẩm thảo dược hay thực hiện thay đổi lối sống hay không.
Do đó, làm thế nào để tăng cường khả năng miễn dịch được chứng minh là không hề dễ. Hệ miễn dịch chính xác là một hệ thống chứ không phải một thực thể đơn lẻ, đòi hỏi sự cân bằng và hài hòa để có thể hoạt động tốt. Hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh mối liên hệ trực tiếp giữa lối sống và chức năng miễn dịch. Nhưng không có nghĩa là điều đó không được chú ý và không nên nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đang khám phá ảnh hưởng của chế độ ăn uống, tập thể dục, tuổi tác, tình trạng căng thẳng tâm lý và các yếu tố khác đối với phản ứng miễn dịch ở cả động vật và con người.
Tuổi tác tác động đến hệ miễn dịch
Khi chúng ta già đi, khả năng miễn dịch sẽ bị suy giảm góp phần gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng và bệnh ung thư hơn. Theo kết luận của nhiều nghiên cứu, mặc dù một số người già đi lại một cách khỏe mạnh, nhưng họ vẫn có nhiều khả năng mắc các bệnh truyền nhiễm và thậm chí có nhiều khả năng tử vong vì các bệnh này hơn so với những người trẻ. Nhiễm trùng đường hô hấp bao gồm cúm, Covid-19 và viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở những người trên 65 tuổi trên thế giới. Giảm phản ứng miễn dịch đối với các bệnh nhiễm trùng đã được chứng minh qua phản ứng của người lớn tuổi với vắc-xin. Ví dụ, các nghiên cứu về vắc-xin cúm đã chỉ ra rằng ở những người trên 65 tuổi, vắc-xin này kém hiệu quả hơn so với trẻ khỏe mạnh (trên 2 tuổi). Nhưng bất chấp việc giảm hiệu quả, tiêm vắc-xin phòng cúm và S.pneumoniae đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở người lớn tuổi so với khi không tiêm chủng.
Dường như có mối liên hệ giữa dinh dưỡng và khả năng miễn dịch ở người cao tuổi. Một dạng suy dinh dưỡng phổ biến một cách ngạc nhiên ngay cả ở các nước giàu có được gọi là “suy dinh dưỡng vi chất dinh dưỡng”. Đây là tình trạng một người bị thiếu một số loại vitamin và khoáng vi lượng cần thiết cho cơ thể từ chế độ ăn uống và có thể xảy ra ở người cao tuổi. Người cao tuổi có xu hướng ăn ít hơn và có chế độ ăn kém đa dạng. Câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu thực phẩm chức năng có thể giúp người cao tuổi duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn hay không. Họ nên xin ý kiến của bác sĩ về vấn đề này.
Chế độ ăn uống và hệ miễn dịch
Giống như bất kỳ lực lượng chiến đấu nào, đội quân của hệ miễn dịch cũng cần được nuôi dưỡng tốt từ bên trong mới có thể chiến đấu tốt được. Theo các nhà khoa học xưa, những người sống trong cảnh nghèo đói và bị suy dinh dưỡng thường dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. Có một số bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như thiếu kẽm, selen, sắt, đồng, axit folic và vitamin A, B6, C và E đã làm thay đổi phản ứng miễn dịch ở động vật khi thử nghiệm trong ống nghiệm. Tuy nhiên, tác động từ những thay đổi của hệ miễn dịch ở động vật là ít rõ ràng hơn cho nên ảnh hưởng của việc thiếu hụt dinh dưỡng tương tự đối với phản ứng miễn dịch của con người vẫn chưa thể đánh giá chính xác.
Vậy bạn có thể làm gì? Nếu bạn nghi ngờ chế độ ăn uống của mình không cung cấp cho bạn tất cả các nhu cầu vi chất dinh dưỡng mà bạn cần, ví dụ bạn là người ăn chay, bạn bị dị ứng với một số thực phẩm hay bạn không thích ăn rau củ, thì việc sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin tổng hợp hàng ngày có thể mang lại hiệu quả tích cực đối với hệ miễn dịch và những lợi ích sức khỏe khác. Hãy tuân theo lượng khuyến nghị tiêu thụ mỗi ngày của các loại vitamin và khoáng chất.
Cải thiện khả năng miễn dịch với các chế phẩm thảo dược
Bước vào một cửa hàng, bạn sẽ tìm thấy những chai thuốc và các chế phẩm thảo dược được cho là “hỗ trợ khả năng miễn dịch”. Mặc dù một số thực phẩm chức năng đã được nhận thấy có khả năng làm thay đổi một số yếu tố của chức năng miễn dịch, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh chúng thực sự có khả năng tăng cường miễn dịch để chống lại tình trạng nhiễm trùng và bệnh tật. Các nhà khoa học không biết liệu một loại thảo dược có thể làm tăng mức kháng thể trong máu có thực sự tạo ra bất cứ điều gì có lợi cho khả năng miễn dịch tổng thể hay không.
Tình trạng căng thẳng và chức năng miễn dịch
Y học hiện đại đã đánh giá cao mối liên kết chặt chẽ giữa tâm trí và cơ thể. Đau dạ dày, nổi mề đay, và thậm chí cả bệnh tim đều có thể do tác động của tình trạng căng thẳng về mặt cảm xúc. Tình trạng căng thẳng được hiểu đơn giản là một tình huống được xem là tạo ra căng thẳng cho người này có thể lại là điều bình thường đối với người khác.
Một số nhà khoa học đang điều tra xem liệu tình trạng căng thẳng kéo dài có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch hay không. Trong một thử nghiệm có kiểm soát, các nhà khoa học có thể thay đổi một hoặc chỉ một yếu tố, như lượng hóa chất cụ thể, sau đó đo lường tác động của sự thay đổi đó đối với một số hiện tượng có thể đo lường khác, chẳng hạn như số lượng kháng thể được tạo ra bởi một loại tế bào của hệ miễn dịch khi nó tiếp xúc với chất hóa học. Ở một động vật sống và đặc biệt là ở con người, loại thử nghiệm này là không thể bởi một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra tại thời điểm các phép đo được thực hiện.
Thời tiết mùa đông không làm suy giảm khả năng miễn dịch
Các nhà nghiên cứu vẫn quan tâm đến câu hỏi này trên các đối tượng khác nhau. Một số thí nghiệm trên chuột cho thấy rằng tiếp xúc với lạnh có thể làm giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Nhưng còn với con người? Trong một thử nghiệm trên người, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận sự gia tăng các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên ở những vận động viên trượt tuyết xuyên quốc gia hay vận động mạnh trong thời tiết lạnh, nhưng liệu những bệnh nhiễm trùng này là do thời tiết lạnh hay do tập thể dục cường độ.
Một nhóm các nhà nghiên cứu người Canada đã xem lại hàng trăm nghiên cứu y tế về chủ đề này và tiến hành một số nghiên cứu riêng. Họ kết luận rằng không cần phải lo lắng về việc tiếp xúc với nhiệt độ lạnh mùa đông bởi nó không gây ra ảnh hưởng xấu cho hệ miễn dịch của con người. Nhưng bạn vẫn nên mặc ấm khi ra ngoài trời lạnh nếu bạn không thể chịu lạnh hoặc bạn định ở ngoài trời trong thời gian dài vì có nguy cơ xảy ra các vấn đề như tê cóng và hạ thân nhiệt.
Tập thể dục: Thói quen tốt cho hệ miễn dịch
Tập thể dục thường xuyên là một trong những yếu tố then chốt của lối sống lành mạnh. Nó giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm huyết áp, giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể và bảo vệ cơ thể chống lại nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, tập thể dục có giúp tăng cường hệ miễn dịch một cách tự nhiên và giữ cho cơ thể khỏe mạnh hay không? Cũng tương tự như một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục có thể góp phần củng cố sức khỏe tổng thể và từ đó tạo ra một hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Khuyến cáo phương pháp tăng số lượng tế bào
Trên thực tế, làm tăng số lượng tế bào miễn dịch hay những tế bào khác vào cơ thể không hẳn là cách tốt. Ví dụ, các vận động viên thực hiện kỹ thuật “doping máu”, tức là tiêm máu vào cơ thể của họ để làm tăng số lượng tế bào máu và làm tăng khả năng thi đấu cũng có nguy cơ bị đột quỵ. Đây là phương pháp hết sức phức tạp, vì có rất nhiều loại tế bào khác nhau trong hệ miễn dịch phản ứng với rất nhiều vi khuẩn khác nhau theo nhiều cách khác nhau. Nên tăng cường những tế bào nào, với số lượng bao nhiêu là câu hỏi cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa có câu trả lời.
Lược dịch: https://www.health.harvard.edu/staying-healthy/how-to-boost-your-immune-system