Giỏ hàng

Cách chăm sóc vết thương có ống dẫn lưu

Các loại ống dẫn lưu trong y tế

 

Có nhiều loại ống dẫn lưu khác nhau, dựa vào vai trò của nó có thể chia thành:

  • Ống dẫn lưu trong hệ tiêu hóa: Dẫn lưu dịch từ hệ thống đường mật, túi mật, hố lách, vùng dưới gan, túi cùng Douglas, hố chậu phải sau phẫu thuật ruột thừa, rãnh đại tràng.
  • Ống dẫn lưu trong lồng ngực: Dẫn lưu khí và/ hoặc dịch từ khoang màng phổi, dẫn lưu dịch từ khoang màng ngoài tim, trung thất.
  • Ống dẫn lưu trong hệ tiết niệu: Dẫn lưu từ đài bể thận, hố thận, niệu quản, bàng quang.
  • Ống dẫn lưu ở những vết thương: Dẫn lưu máu, dịch viêm từ các ổ áp xe và phần mềm sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật.
  • Ống dẫn lưu ở vùng đầu: Dẫn lưu máu và dịch từ vết mổ dưới da, bể não thất, nhu mô não,...

 

Nguyên tắc chăm sóc vết thương có ống dẫn lưu dịch

 

Chăm sóc ống dẫn lưu đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hiệu quả điều trị sau khi phẫu thuật hoặc hoàn thành các thủ thuật. Các nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ khi chăm sóc ống dẫn lưu và vết thương có ống dẫn lưu bao gồm:

  • Tuyệt đối đảm bảo vô trùng cho toàn bộ hệ thống dẫn lưu.
  • Túi hoặc bình đựng dịch ống dẫn lưu luôn đặt ở vị trí thấp hơn vùng được dẫn lưu khoảng 50 - 60 cm.
  • Không gập hay làm tắc nghẽn các ống dẫn lưu.
  • Bệnh nhân nên được đặt ở tư thế thoải mái giúp dẫn lưu dịch tốt, không nằm đè lên hoặc làm căng ống dẫn lưu, nhất là trong khi ngủ.
  • Luôn giữ đầu ống dẫn lưu tại vị trí thấp nhất của cơ thể như túi cùng Douglas hoặc các ổ tụ dịch, không tự ý thay đổi vị trí.
  • Thường xuyên theo dõi tính chất và số lượng dịch ống dẫn lưu.
  • Theo dõi lượng dịch vào và dịch ra, phát hiện sớm các tình trạng mất nước nếu có. Các dấu hiệu gợi ý tình trạng mất nước như khô môi, khô niêm mạc miệng, tăng cảm giác khát nước, mắt trũng sâu, ...
  • Đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh trong quá trình theo dõi, khuyến khích họ uống nhiều nước để bù lại lượng dịch đã mất. Dựa vào số lượng dịch ống dẫn lưu có thể ước lượng được số lượng dịch mất để lên kế hoạch bù dịch hợp lý.
  • Rút ống dẫn lưu ngay khi đạt được mục đích điều trị hoặc kết thúc thời gian yêu cầu, không lưu ống quá lâu.
  • Khi rút ống dẫn lưu đặt lâu trên 3 ngày cần tiến hành từ từ, rút từng đoạn ngắn và xoay vặn ống trước khi rút. Ngược lại, cần tiến hành rút dứt khoát một lần duy nhất.
  • Khuyến khích người bệnh thường xuyên vận động, xoay trở và thay đổi tư thế.
  • Vết thương có ống dẫn lưu phải luôn được giữ khô ráo, sạch sẽ, lau rửa và thay băng thường xuyên.
  • Dịch từ túi dẫn lưu cần được tháo và thay mỗi ngày.
  • Phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời điều trị, bao gồm: tắc ống, nhiễm trùng chân ống, nhiễm trùng ngược dòng vào các khoang cơ thể, bục xì miệng nối trở lại sau khi rút ống dẫn lưu, ...
  • Khi tắm rửa hay vệ sinh cá nhân, tránh để các chất tẩy rửa tiếp xúc trực tiếp với ống dẫn lưu.
 

Các bước thay băng vết thương

1. Rửa tay: Rửa tay trước khi thay băng, phạm vi rửa phải tới phía trên cổ tay 5 cm, rửa trong ít nhất 20 giây. 

2. Các bước thay băng:

  • Trước hết, tháo gạc cũ ra, nếu gạc bị dính vào vết thương thì phải dùng nước muối sinh lý để thấm ướt và dùng tăm bông để gạt nhẹ nhàng, tránh kéo mạnh làm gia tăng cảm giác đau hoặc khiến vết thương chảy máu, ảnh hưởng đến việc lành vết thương.
  • Dùng tăm bông vô trùng nhúng nước muối sinh lý, khử trùng trong phạm vi trên 5cm quanh vết thương, lấy vết thương làm trung tâm, lau từ trong ra ngoài một lượt rồi vứt bỏ, tránh dùng tăm lau qua lau lại.
  • Dùng gạc che phủ vết thương lại, rồi dùng băng dính giấy để cố định gạc.

3. Chăm sóc vết thương do ống dẫn lưu: Nếu vết thương khô ráo, có thể thay băng 2-3 ngày một lần, nếu có chảy dịch thì cần thay băng theo bước 2, rồi tiếp tục thực hiện như sau:

  • Dùng gạc chữ Y vô trùng lót dưới ống dẫn lưu, rồi dùng gạc vô trùng phủ lên, dùng băng dính giấy cố định lại 
  • Hằng ngày ghi lại lượng dịch dẫn lưu ra, để cung cấp làm dữ liệu cho bác sĩ tham khảo đánh giá khi tái khám.

4. Vết thương đã cắt chỉ: Xuất viện về nhà là có thể tắm, sau khi tắm xong cần lau khô vết thương, giữ cho vết thương luôn khô ráo. Nếu vết thương đã được dán bằng băng dính thẩm mỹ thì không cần thay băng hằng ngày, chỉ cần giữ sạch sẽ và khô ráo cho đến khi băng dính thẩm mỹ bong ra thì thay.

5. Vết thương chưa cắt chỉ: Nếu bất cẩn làm ướt vết thương, vui lòng làm theo các bước như thay băng và giữ cho vết thương khô ráo.

6. Nếu gạc trên vết thương bị ướt hoặc có dính chất dịch tiết ra, thì cần quan sát xem vết thương có hiện tượng bất thường (như: đỏ, sưng, nóng, đau) hay không.

7. Nếu có các dấu hiệu sau đây, vui lòng đi tái khám ngay:

  •  Sốt, đau bụng, nôn mửa dữ dội.
  • Từ ống dẫn lưu chảy ra nhiều máu đỏ tươi, hoặc dịch chảy ra đục hoặc có mùi hôi.
  • Dịch tiết nhiều thấm vào gạc, lượng dịch dẫn lưu đột nhiên giảm hoặc không có dịch thoát ra.
  • Vết thương bị đỏ, sưng, nóng, đau, hoặc có chảy dịch như mủ.
  •  Ống dẫn lưu bị tuột ra.

 

Nguồn tổng hợp

Facebook Top
Zalo