Cách chăm sóc trẻ có canuyn mở khí quản tại nhà
Theo dõi và chăm sóc trẻ có ống canuyn mở khí quản hàng ngày là việc rất quan trọng để không ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Trước khi ra viện, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn gia đình thực hiện kỹ thuật chăm sóc thành thạo.
Gia đình trẻ cần nắm được những kiến thức sau để có thể tự chăm sóc cho trẻ tại nhà:
Thao tác hút dịch qua ống canuyn mở khí quản
Các dấu hiệu nhận biết khi nào trẻ cần hút đờm:
- Đối với trẻ nhỏ hoặc trẻ không tự nhận biết được: Bố mẹ phải theo dõi thường xuyên bằng cách nghe tiếng thở lọc xọc đờm dãi hoặc nhìn thấy có bong bóng đờm dãi ở trên ống, trẻ kích thích, khó chịu hoặc đếm nhịp thở thấy trẻ thở nhanh hơn, là thời điểm cần hút ngay. Có thể sử dụng máy hút hoặc dụng cụ hút đờm, nếu dùng máy hút chú ý để áp lực vừa phải gập sonde hút và không đưa vào ống canuyn quá sâu.
- Đối với trẻ lớn: Trẻ có thể ra hiệu cho bố mẹ khi nào cần hút.
Vệ sinh và thay băng chân ống canuyn mở khí quản
Những lưu ý khi vệ sinh chân ống mở khí quản:
- Vệ sinh chân ống giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và tránh những mảng da chết bong ra rơi vào trong ống.
- Thay băng gạc mở khí quản 1 lần/ngày hoặc khi ướt, bẩn. Chú ý quan sát vùng da xung quanh chân ống nếu thấy sưng đỏ, đau, chảy máu, chảy mủ… phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.
- Khi thay băng lưu ý tránh thao tác mạnh làm tuột dây đai cố định cố ống mở mở khí quản hoặc ống canuyn.
Giữ ấm, phòng tránh viêm phổi, kiểm soát nhiễm trùng
- Thường xuyên che lỗ mở khí quản bằng một miếng gạc mỏng hoặc mũi nhân tạo mở khí quản (mũi giả) để tránh bụi bẩn và dị vật rơi vào đường thở. Bình thường không khí đi qua mũi được làm ấm và lọc bụi trẻ đỡ bị nhiễm lạnh và viêm phổi hơn.
- Sử dụng máy tạo hơi nước trong phòng hoặc làm ẩm mở khí quản để tạo độ ẩm, nhất là trong mùa đông.
- Không tiếp xúc với khói thuốc, không khí ô nhiễm hoặc người bị bệnh cúm hay các bệnh truyền nhiễm khác.
- Rửa tay trước và sau khi chăm sóc là cách quan trọng nhất để ngăn chặn sự lây lan nhiễm trùng.
- Nên tiêm phòng các loại vắc-xin theo lứa tuổi của trẻ.
- Hạn chế đến chỗ đông người và người nhà đến thăm hỏi.
- Khi ngủ, tránh để chăn hay ga giường bịt vào lỗ thở.
- Theo dõi nhiệt độ, nhịp thở và nhịp tim hàng ngày.
- Tuân thủ dùng thuốc theo kê đơn của bác sĩ.
- Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng bổ sung rau và các loại trái cây.
- Hút sạch đờm dãi trước khi cho trẻ ăn. Không nên hút trong hoặc sau bữa ăn có thể gây kích thích dẫn đến nôn sặc.
- Luôn giám sát chặt trẻ trong khi ăn để đảm bảo thức ăn không rơi vào đường thở.
- Khi tắm, nên che chắn lỗ thở và phải cẩn thận để tránh nước bắn vào đường thở gây ho, sặc, ngạt thở.
- Trẻ đặt ống mở khí quản trên 6 tháng có nguy cơ ảnh hưởng sự phát triển ngôn ngữ và biểu cảm ngôn ngữ. Cha mẹ có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, hình ảnh, chữ viết hoặc sự hỗ trợ của các nhà ngôn ngữ để duy trì giao tiếp với trẻ.
Cách xử lý khi có tai biến xảy ra
Thông thường trẻ sẽ được hẹn tái khám để kiểm tra thay mới hoặc vệ sinh nòng trong canuyn mở khí quản đúng cách để tránh biến chứng, việc thay mới phải do bác sĩ thực hiện tại bệnh viện hay cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị cấp cứu.
Tuy nhiên việc tuột hay tắc ống canuyn có thể xảy ra ở bất cứ đâu hay thời điểm nào, do vậy gia đình cần chuẩn bị sẵn dụng cụ và tinh thần khi gặp phải trường hợp này tại nhà:
- Cố gắng giữ bình tĩnh.
- Nếu tuột thì lắp lại canuyn ngay. Có thể dùng lại canuyn cũ hoặc canuyn số nhỏ hơn. Do vậy, gia đình phải luôn dự phòng thêm 1 canuyn số nhỏ hơn cái trẻ đang đeo.
- Khi không thể làm được hãy quan sát và an ủi trẻ, đôi khi trẻ có thể thở được bằng mũi miệng, đưa trẻ tới phòng cấp cứu gần nhất có thể. Bóp bóng trên đường đi.
- Nếu tắc ống, hãy nhỏ nước muối sinh lý vào ống rồi sau đó hút đờm dãi trong ống.
- Gọi cấp cứu hoặc người hỗ trợ ngay.
Tham khảo nguồn Bệnh viện Nhi Trung Ương
Để được tư vấn về bộ mở khí quản và hỗ trợ thêm về cách chăm sóc lỗ mở khí quản, hãy liên hệ ngay với chúng tôi Công ty TNHH Thương mại Quốc tế MERINCO Văn phòng 1: Phòng 2304, toà nhà HH2 Bắc Hà. Số 15 Tố Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội |