7 lợi ích của vật lý trị liệu được khoa học chứng minh
Bạn đang phải đối mặt với một chấn thương cấp tính, phục hồi sau phẫu thuật hay một tình trạng mãn tính ảnh hưởng đến chức năng thể chất, vật lý trị liệu có thể giúp bạn hồi phục chức năng và khỏe khoắn trở lại. Dưới đây là 7 lợi ích của vật lý trị liệu được khoa học chứng minh và một số mẹo để tận dụng tối đa các buổi tập của bạn.
Vật lý trị liệu là gì?
Vật lý trị liệu là một loại hình của chăm sóc phục hồi chức năng tập trung vào chẩn đoán và điều trị chấn thương, các bệnh mãn tính và cấp tính cũng như rối loạn chức năng vận động. Đây là một phương pháp được áp dụng nhiều trong điều trị các vấn đề về cơ xương khớp khác nhau.
Các nhà trị liệu vật lý sử dụng các kỹ thuật và liệu pháp dựa trên mục tiêu điều trị để khôi phục khả năng vận động, mở rộng phạm vi cử động, giảm đau và cải thiện chức năng thể chất.
Theo Hiệp hội Vật lý trị liệu Hoa Kỳ (APTA), chuyên gia vật lý trị liệu có khả năng chẩn đoán và điều trị các tình trạng ảnh hưởng đến hệ cơ xương. Họ được đào tạo các bài tập được chỉ định, liệu pháp thủ công và giáo dục bệnh nhân cho mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi.
Mục đích chính của vật lý trị liệu là giúp cải thiện hoặc phục hồi khả năng vận động, sức mạnh, sự linh hoạt, phạm vi chuyển động, chức năng tổng thể và chất lượng cuộc sống. Đồng thời, trị liệu cũng giúp giảm đau và ngăn ngừa chấn thương thêm.
Các buổi tập vật lý trị liệu có thể được thực hiện tại các phòng khám ngoại trú, bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng, viện dưỡng lão, trường học, cơ sở thể dục thể thao hay tại phòng khám tư.
7 lợi ích của vật lý trị liệu trong phục hồi chức năng
Bạn có thế đến bác sĩ vật lý trị liệu để kiểm soát cơn đau, phòng ngừa chấn thương, phục hồi chấn thương, tăng cường khả năng vận động và kiểm soát các tình trạng mãn tính. Dưới đây là 7 lợi ích của vật lý trị liệu đã được khoa học chứng minh.
Phục hồi sau chấn thương thể thao
Không phải chấn thương nào liên quan đến thể thao cũng đều cần phẫu thuật. Tuy nhiên, để ngăn ngừa tổn thương thêm, cần có các biện pháp can thiệp có mục tiêu để giảm đau, cố định vùng bị thương và sớm quay lại thi đấu.
Theo Viện Viêm khớp và Bệnh Cơ xương và Da Quốc gia Hoa Kỳ, việc điều trị các chấn thương thể thao nghiêm trọng có thể cần sự hỗ trợ của vật lý trị liệu để phục hồi chức năng hoặc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ khác như lắp nẹp, bó bột.
Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ giúp bạn lên một kế hoạch để phục hồi phạm vi chuyển động và sức mạnh của vùng thương tổn. Trong đó bao gồm các bài tập có mục tiêu, liệu pháp xoa bóp, trị liệu dưới nước, siêu âm hoặc liệu pháp chườm nóng để giúp tăng cường cơ và khớp đồng thời ngăn ngừa chấn thương thêm.
Giảm đau
Cơn đau cấp tính thường có nguyên nhân rõ ràng và xảy ra đột ngột nhưng thường giảm dần theo thời gian qua cách điều trị và chữa lành. Mặt khác, cơn đau mãn tính kéo dài hơn 3 tháng và thường do chấn thương, bệnh lý, viêm nhiễm, điều trị y tế hoặc một số trường hợp không rõ nguyên nhân, để kiểm soát cơn đau có thể phải dùng đến thuốc có thành phần opioid và các loại thuốc mạnh khác.
Nhưng gần đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã đề xuất vật lý trị liệu như một lựa chọn hiệu quả để kiểm soát cơn đau thay vì dùng thuốc giảm đau nhóm opioid.
Các kỹ thuật vật lý trị liệu như bài tập trị liệu, duỗi cơ, kích thích điện, siêu âm, băng ép, trị liệu bằng nhiệt và lạnh và mát xa là những ví dụ điển hình được sử dụng để giảm đau cấp tính và mãn tính.
Hỗ trợ các bệnh về thần kinh
Các kỹ thuật vật lý trị liệu có thể hỗ trợ giảm các triệu chứng do bệnh lý thần kinh gây ra như đột quỵ, bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson và các vấn đề liên quan đến chấn thương tủy sống.
Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy việc luyện tập dáng đi trong 4 tuần hoặc luyện tập thăng bằng trong 8 tuần có thể đem lại hiệu quả tích cực kéo dài từ 3 đến 12 tháng sau khi kết thúc các buổi vật lý trị liệu. Kết quả của nghiên cứu cụ thể là giảm số lần té ngã trong vòng 12 tháng và cải thiện dáng đi cũng như khả năng đi lại trong tối đa 6 tháng sau khi tập luyện.
Vật lý trị liệu cũng có thể hỗ trợ quản lý triệu chứng cho những người mắc bệnh đa xơ cứng. Theo Hiệp hội Bệnh đa xơ cứng Quốc gia Mỹ, vật lý trị liệu giúp cải thiện các triệu chứng phổ biến như mất thăng bằng, suy nhược, khó khăn trong việc chuyển động, cơ bắp co cứng và thiếu linh hoạt, sức bền thể chất, mệt mỏi và chức năng hô hấp.
Theo Johns Hopkins Medicine, tại bệnh viện luôn có các chương trình vật lý trị liệu hỗ trợ phục hồi chức năng sau đột quỵ và điều trị chấn thương cột sống trước khi người bệnh xuất viện. Nếu bạn không thể tiếp cận tập vật lý trị liệu với chuyên gia, hãy tham khảo găng tay vật lý trị liệu tại nhà.
Giảm các triệu chứng liên quan đến bệnh viêm khớp
Viêm khớp, đau, sưng tấy và cứng khớp có thể là triệu chứng suy nhược do viêm khớp dạng thấp và viêm xương khớp. Vật lý trị liệu có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.
Theo Tổ chức Viêm khớp, vật lý trị liệu có thể cải thiện và phục hồi khả năng vận động của các khớp tổn thương, tăng sức mạnh tổng thể để giúp hỗ trợ khớp và duy trì thể lực.
Giảm các biến chứng liên quan đến rối loạn chức năng vùng sàn chậu
Mang thai và sinh nở có thể ảnh hưởng tới cơ sàn chậu. Mãn kinh cũng vậy, phẫu thuật vùng bụng và các tình trạng khác có thể thay đổi áp lực trong ổ bụng hoặc độ căng của cơ sàn chậu. Khi tổn thương nghiêm trọng, các cơ sàn chậu yếu đi và mất khả năng nâng đỡ hoàn toàn các cơ quan vùng chậu, gây rò rỉ nước tiểu, đau thắt lưng, rối loạn chức năng tình dục, chèn ép vùng chậu và sa tử cung.
Rối loạn chức năng sàn chậu có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Tin tốt là liệu pháp vật lý trị liệu sàn chậu có thể giúp ích. Theo một đánh giá năm 2019, vật lý trị liệu là phương pháp điều trị đầu tiên cho hầu hết các trường hợp rối loạn sàn chậu.
Rút ngắn thời gian hồi phục sau phẫu thuật
Nhiều bác sĩ thường khuyên nên tập vật lý trị liệu sau phẫu thuật, tùy thuộc vào chấn thương, quy trình phẫu thuật và tình trạng sức khỏe tổng thể, việc tập luyện có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng. Bạn cũng có thể tự tập tại nhà bằng cách sử dụng máy tập phục hồi chức năng bàn ngón tay nếu có chấn thương liên quan đến bàn tay và ngón tay.
Vật lý trị liệu chỉnh hình được thiết kế để cải thiện phạm vi chuyển động, giảm đau, ngăn ngừa tích tụ mô sẹo quá mức và lấy lại chức năng bình thường sau phẫu thuật cơ xương khớp.
Học viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS) khuyến nghị vật lý trị liệu để giúp phục hồi hoàn toàn sau phẫu thuật, phục hồi sức lực và cho phép bạn dần dần quay trở lại các hoạt động hàng ngày. Hơn nữa, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng việc vận động sớm và vật lý trị liệu cho những bệnh nhân nguy kịch nhập viện sẽ mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn, khả năng đi bộ quãng đường dài hơn và chức năng cơ tốt hơn khi xuất viện.
Kiểm soát cơn đau
Vật lý trị liệu có thể giúp kiểm soát cơn đau mãn tính và việc giảm sử dụng thuốc giảm đau opioid. Một nghiên cứu lớn đã phát hiện rằng việc can thiệp vật lý trị liệu sớm ở những người mới bị đau thắt lưng mãn tính đã làm giảm việc sử dụng thuốc opioid cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Một nghiên cứu khác cũng tập trung vào việc sử dụng vật lý trị liệu cho chứng đau thắt lưng mãn tính và nhận thấy việc kê đơn giảm đau opioid ít thường xuyên hơn trong các lần khám sức khỏe tiếp theo khi bệnh nhân được giới thiệu và tham gia vật lý trị liệu.
Theo Tạp chí Healthline
Để được tư vấn về thiết bị phục hồi chức năng và hướng dẫn luyện tập tại nhà, hãy liên hệ với chúng tôi: Công ty TNHH Thương mại Quốc tế MERINCO Văn phòng 1: Phòng 2304, toà nhà HH2 Bắc Hà. Số 15 Tố Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội |