Giỏ hàng

Liệu ‘virus zombie’ từ lớp băng vĩnh cửu có thể gây ra một đại dịch khác?

 

  • Các nhà khoa học nghiên cứu virus ở vùng đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia cho biết mối đe dọa từ các tác nhân virus mới đối với nhân loại là rất lớn khi nhiệt độ khu vực tăng lên.

  • Có tới 13 loại virus đã được phát hiện trong lớp băng vĩnh cửu.

  • Mặc dù mối đe dọa về ‘virus zombie’ là có thật nhưng một số nhà khoa học cho biết vẫn còn nhiều điều chưa biết về cách chúng có thể ảnh hưởng đến con người.

 

Khi nhiệt độ tăng cao bắt đầu ảnh hưởng đến khí hậu Bắc Cực, các nhà khoa học cảnh báo rằng các loại virus cổ xưa bị chôn sâu trong lớp băng vĩnh cửu có thể gây ra mối đe dọa chưa từng có đối với con người dưới dạng những đại dịch mới.

Một nghiên cứu năm 2023 của một nhóm nghiên cứu virus trong vùng băng vĩnh cửu ở Siberia đã xác định được 13 loại siêu virus có thể lây nhiễm sang người; một trong số chúng đã 48.500 năm tuổi. Kết quả nghiên cứu xuất hiện trên tạp chí Virus.

Mối quan tâm hàng đầu của các nhà khoa học này là làm thế nào hệ thống miễn dịch của con người đương đại sẽ phản ứng với cái gọi là “virus zombie” đã tồn tại hàng triệu năm.

Với các tuyến đường vận chuyển mới và hoạt động khai thác tiềm năng có thể xảy ra ở phía bắc Bắc Cực khi băng tan, việc con người tiếp xúc với những loại virus này có thể tạo cơ hội lây nhiễm và lây lan toàn cầu.

“Trong khi tài liệu có rất nhiều mô tả về hệ vi sinh vật nhân sơ phong phú và đa dạng được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu, không có báo cáo bổ sung nào về virus ‘sống’ được công bố kể từ hai nghiên cứu ban đầu mô tả pithovirus (năm 2014) và mollivirus (năm 2015),” các tác giả của nghiên cứu năm 2023 viết.

“Điều này đem đến một quan niệm sai lầm rằng những trường hợp như vậy rất hiếm và ‘virus zombie’ không phải là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng.”

 

Đại dịch 'virus zombie' thực tế đến mức nào?

Giáo sư Jean-Michel Claverie của Đại học Aix-Marseille, nhà di truyền học đứng đầu nghiên cứu năm 2023 và đã nghiên cứu virus ở Siberia từ năm 2014, đã nói rằng ông tin rằng mối đe dọa này chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng và mang nhiều rủi ro có thật.

Mặc dù các loại virus mà họ nghiên cứu chỉ cho thấy khả năng lây nhiễm amip nhưng họ cho rằng đó là mối nguy hiểm đối với quần thể người cần phải được xem xét nghiêm túc.

Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư y tế dự phòng tại Đại học Vanderbilt ở Tennessee, nói rằng mặc dù tiềm năng virus vẫn tồn tại, nhưng nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố cụ thể:

“Tôi nghĩ khả năng này còn khá xa vời, nhưng rủi ro vẫn ở đó: Trước hết, phải đặt ra câu hỏi rằng liệu virus có thể được hồi sinh hay không? Và nó phải được truyền sang con người theo một cách nào đó. Khi đó, tất nhiên, virus sẽ phải có khả năng lây truyền từ người sang người. Vì vậy, phải trải qua một loạt các bước cần thiết trước khi điều tồi tệ đó có thể xảy ra.”

Tiến sĩ Jonathan Stoye, một nhà nghiên cứu retrovirus tại Viện Francis Crick ở London, nói rằng virus trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia là “một rủi ro về mặt lý thuyết”.

Tiến sĩ Stoye cho biết: “Theo suy nghĩ của tôi, các mối đe dọa lớn hơn là từ việc đánh thức vi khuẩn đang ngủ say hoặc bằng các con đường gián tiếp hơn như sự lây lan của côn trùng mang mầm bệnh hoặc thay đổi mô hình di cư của các loài chim có thể mang vi rút đi khắp nơi. Tôi tin rằng các loại virus hiện đang lây lan ở động vật trên khắp thế giới sẽ được coi là mối đe dọa lớn hơn rất nhiều.”

 

Những loại virus nào có thể ẩn nấp trong lớp băng vĩnh cửu?

Nghiên cứu năm 2023 đã xác định được 13 loại vi rút khác nhau thuộc 5 loại khác nhau: Pandoravirus, Cedratvirus, Megavirus và Pacmanvirus, cùng với một chủng Pithovirus mới.

Tiến sĩ Stoye cho biết một số loại virus trước đây được phân lập từ lớp băng vĩnh cửu có khả năng lây nhiễm sang nhiều loại vi sinh vật, thực vật và động vật.

Tiến sĩ Stoye cho biết: “Nhiều loại virus trong số này là thực khuẩn nhưng danh sách này bao gồm ít nhất hai mầm bệnh ở người, những mầm bệnh gây bệnh đậu mùa và cúm. Ngược lại, tương đối ít vi rút truyền nhiễm được phân lập từ lớp băng vĩnh cửu tan, rất có thể là do tính không ổn định vốn có của axit nucleic của virus đặc biệt là những virus có bộ gen RNA, chẳng hạn như vi rút cúm.”

Tiến sĩ Schaffner giải thích rằng các tác nhân virus mới thường xuyên được đưa vào quần thể người một cách đều đặn, ví dụ như virus Zika, Ebola và Corona gần đây đã dẫn đến đại dịch. Nhưng ông nói rằng sẽ rất khó để dự đoán chính xác loại virus nào ở Bắc Cực sẽ có thể lập lại điều tương tự.

Tiến sĩ Schaffner cho biết: “Có thể có virus ở động vật sống trong lớp băng vĩnh cửu. Có thể có những lo ngại rằng sẽ có những loại virus vốn có trong cơ thể người được thu giữ và bảo quản trong lớp băng vĩnh cửu - chúng có thể có khả năng lây lan từ người sang người dễ dàng hơn.”

“Vì vậy, chúng ta đang phải đối mặt với một loạt những điều chưa biết. Bệnh cúm là một ví dụ cho bệnh đã thực sự được phục hồi từ băng hoặc dấu hiệu phân tử của virus này đã được phát hiện từ những cá thể người bị bao bọc trong lớp băng vĩnh cửu,” ông nói thêm.

 

Các quan chức y tế toàn cầu đã chuẩn bị như thế nào để ứng phó với ‘virus zombie’?

Quá trình phản ứng nhanh chóng với COVID-19 và sự phát triển nhanh chóng của vắc xin có thể là khuôn mẫu cho cách thức hoạt động của bất kỳ tổ chức toàn cầu nào trong trường hợp có sự lây lan của virus mới.

Tiến sĩ Schaffner cho rằng thành công tương đối trong việc chống lại đại dịch trong vài năm qua mang lại cảm giác lạc quan nhất định, mặc dù nhiều ẩn số vẫn bị bỏ ngỏ. 

Tiến sĩ Schaffner cho biết: “Ngày nay chúng ta được tổ chức tốt hơn nhiều để nhận biết các loại virus mới và ứng phó với chúng so với cách đây 10 hay 20 năm trước”.

“Tổ chức Y tế Thế giới [WHO] có một cơ chế giám sát tồn tại trên khắp thế giới và hoạt động 365 ngày một năm. Cơ chế này liên tục lấy mẫu những người bệnh, cố gắng xác định loại virus mà họ mắc bệnh, xác định chúng và sau đó giải trình tự chúng một cách nhanh chóng. Tất nhiên, điều đó đã xảy ra với COVID. Và chúng ta đã bắt tay vào thiết kế tạo ra vắc xin trong thời gian kỷ lục. Vì thế chúng tôi có năng lực tổ chức đó.”

– Tiến sĩ William Schaffner

 

Tuy nhiên, Tiến sĩ Stoye cho biết những vùng Bắc Cực này không phải là mối đe dọa cấp bách nhất đối với dân số loài người.

Tiến sĩ Stoye nói: “Tôi cho rằng các khu rừng rậm trên thế giới vẫn là nguồn có nhiều khả năng gây ra đại dịch tiếp theo. Tuy nhiên, thật khó để chuẩn bị cho một loại virus có những đặc tính chưa xác định.”

“Giám sát là chìa khóa để có phản ứng kịp thời và đây là lúc cần chú trọng đến quá trình này. Do đó, sự phát triển hơn nữa của các tổ chức như Mạng lưới giám sát mầm bệnh quốc tế (IPSN) được WHO hỗ trợ và Cơ quan quan sát bệnh truyền nhiễm mới nổi đa năng của châu Âu (VEO) là rất quan trọng”, ông nhấn mạnh.


Theo: Medical News Today
 

Facebook Top
Zalo