Giỏ hàng

7 xét nghiệm sàng lọc để phòng ngừa bệnh tim bạn nên ưu tiên vào năm 2024

 Năm mới 2024 đã đến và bạn đang nghĩ về các mục tiêu liên quan đến sức khỏe? Đây là thời điểm thích hợp để ưu tiên sức khỏe tim mạch của bạn.

Tiến sĩ Christopher Tanayan, bác sĩ tim mạch thể thao tại Bệnh viện Mắt, Tai và Họng Manhattan chia sẻ rằng việc khám sàng lọc là cách tốt nhất để theo dõi tình trạng bệnh tim của bạn. Ông nhấn mạnh rằng việc kiểm tra định kỳ quan trọng “đặc biệt đối với những người trên 35 tuổi và có tiền sử gia đình mắc bệnh tim”. Tuy nhiên, việc khám các bệnh về tim có thể khác nhau đối với các nhóm dân số khác nhau.

Tiến sĩ Tanayan cho biết: “Ví dụ, khám định kỳ tim của các vận động viên thi đấu có thể bao gồm các xét nghiệm như ECG và siêu âm tim theo một tiêu chuẩn khác so với một người trung tuổi khỏe mạnh, đối tượng thường chỉ cần xét nghiệm máu”.

 

7 xét nghiệm khám sàng lọc phòng ngừa bệnh tim nên thực hiện vào năm 2024

Bạn không chắc chắn xét nghiệm nào cần thiết nhất đối với bạn? Các chuyên gia chia sẻ top bảy bài kiểm tra sức khỏe bạn nên thực hiện.

 

1. Tiền sử bệnh

Các bác sĩ của bạn sẽ thu thập tiền sử bệnh, bao gồm tiền sử gia đình về các tình trạng bệnh lý, và lối sống của bạn, chẳng hạn như chế độ ăn uống, tập thể dục và sử dụng chất gây nghiện.

“Đây có lẽ là công cụ kiểm tra sức khoẻ cơ bản nhất nhưng tiết kiệm chi phí nhất mà chúng ta có thể thực hiện vì nó rẻ, dễ thực hiện, không xâm lấn, không cần lấy máu và cung cấp rất nhiều thông tin chi tiết cho bác sĩ lâm sàng về những bước tốt nhất tiếp theo,” tiến sĩ Tanayan cho biết.

Tiến sĩ Roger Blumenthal, giám đốc Trung tâm Phòng ngừa Bệnh tim mạch Johns Hopkins lấy một ví dụ: nếu bạn hút thuốc, bác sĩ sẽ ưu tiên hướng dẫn giúp bạn bỏ thuốc lá. “Chúng tôi cố gắng sử dụng liệu pháp thay thế nicotine như miếng dán, kẹo cao su hoặc các loại thuốc như bupropion và varenicline. Ngoài ra, việc điều chỉnh hành vi cũng đóng một vai trò quan trọng.”

 

2. Trọng lượng cơ thể và chỉ số BMI

Bằng cách đo chu vi vòng eo và chỉ số khối cơ thể (BMI), bác sĩ có thể đánh giá xem bạn có thừa cân hoặc béo phì hay không. Việc quá cân làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, rung tâm nhĩ, suy tim sung huyết, v.v.

Tiến sĩ Tanayan cho biết: “BMI là phép đo không xâm lấn khi bạn đến khám tại văn phòng. Giảm cân tác động đáng kể đến việc kiểm soát huyết áp, chứng ngưng thở khi ngủ, kháng insulin và khả năng tập thể dục.”

 

3. Chỉ số huyết áp

Huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Vì huyết áp cao thường không có bất kỳ triệu chứng nào nên nhiều người không biết mình mắc bệnh cho đến khi được theo dõi kỹ và khám sức khỏe.

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) cho biết những người có huyết áp dưới 120/80 mmHg nên kiểm tra ít nhất hai năm một lần, bắt đầu từ tuổi 20. Những người có huyết áp cao hơn mức đó nên nói chuyện với bác sĩ về việc kiểm tra thường xuyên hơn. Bác sĩ có thể kiểm tra huyết áp của bạn hoặc bạn có thể tự kiểm tra tại nhà. Thay đổi lối sống và dùng thuốc có thể giúp kiểm soát huyết áp.

 

4. Xét nghiệm lipoprotein lúc đói

Xét nghiệm máu này được thực hiện để đo cholesterol toàn phần, bao gồm cholesterol LDL (có hại) và cholesterol HDL (có lợi).

“Mọi người nên kiểm tra cholesterol ít nhất mỗi năm một lần khi bạn ở một độ tuổi nhất định. Mức LDL bình thường hoặc cholesterol có hại sẽ dưới 100, và tương tự với chất béo trung tính, tức là chất béo trong máu.” Tiến sĩ Tanayan cho biết xét nghiệm này cũng rất quan trọng trong việc phát hiện các bất thường về di truyền trong quá trình chuyển hóa cholesterol và kết quả cung cấp các ngưỡng mục tiêu trong quá trình điều trị. Thay đổi lối sống và sử dụng thuốc là hai cách để điều trị cholesterol cao.

Xét nghiệm này được thực hiện từ 4 đến 6 năm một lần, bắt đầu từ 20 tuổi, hoặc thường xuyên hơn với những người có nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ.

 

5. Xét nghiệm đường huyết

Lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ kháng insulin, tiền tiểu đường và tiểu đường tuýp 2 - tất cả đều có thể dẫn đến bệnh tim và đột quỵ nếu không được điều trị. Cụ thể, lượng đường trong máu cao có thể làm hỏng các mạch máu và dây thần kinh kiểm soát hoạt động của tim.

Một cách để sàng lọc bệnh tiểu đường tuýp 2 là đo nồng độ hemoglobin A1c (A1c%) trong máu của bạn. Bệnh tiểu đường là khi mức HbA1c từ 6,5% trở lên.

 

6. Đánh giá nguy cơ mắc bệnh

Tiến sĩ Blumenthal cho biết AHA vừa phát hành một công cụ tính toán rủi ro mới có tên là PREVENT Trusty Source để ước tính nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong 10 và 30 năm đối với những người từ 30 tuổi trở lên. Công cụ tính toán này ước tính nguy cơ đau tim, đột quỵ và suy tim. Trước đây, các bác sĩ chỉ tính toán nguy cơ đau tim và đột quỵ. Tiến sĩ Blumenthal cho biết: “Suy tim sung huyết phổ biến hơn gấp nhiều lần so với nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.”

AHA tuyên bố rằng công cụ tính toán này được tạo ra dựa trên thông tin sức khỏe từ hơn 6 triệu người trưởng thành, bao gồm cả những người thuộc các chủng tộc và sắc tộc, kinh tế xã hội và địa lý khác nhau.

 

7. Xét nghiệm canxi động mạch vành

Đối với một số người từ 35 tuổi và có ít nhất hai yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm canxi động mạch vành (CAC) để xác định lượng mảng bám trong động mạch tim của bạn. Xét nghiệm này bao gồm chụp CT tim để phân tích các động mạch cung cấp máu cho cơ tim, giúp bác sĩ xác định nguy cơ mắc bệnh tim của một người.

“Xét nghiệm canxi động mạch vành dành cho những người đang phân vân về việc có nên bổ sung thêm thuốc hay không, thường là để điều trị cholesterol nhưng đôi khi là để kiểm soát huyết áp,” tiến sĩ Blumenthal cho hay. 

 

Theo AHA, thử nghiệm này phù hợp với những người sau:

  • Những người đang do dự trong việc điều trị bằng statin và muốn hiểu rõ hơn về nguy cơ cũng như lợi ích tiềm tàng của thuốc.

  • Những người đã ngừng điều trị bằng statin do tác dụng phụ nhưng đang cân nhắc việc dùng lại.

  • Đàn ông từ 55 đến 80 tuổi hoặc phụ nữ từ 60 đến 80 tuổi không có nhiều rủi ro và muốn biết liệu liệu pháp điều trị bằng statin có mang lại lợi ích hay không.

  • Những người từ 40 đến 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tim trong 10 năm ước tính từ 5% đến 7,5% và có các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

 

Cải thiện sức khỏe tim mạch của bạn với tám lời khuyên từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA)

Để giữ cho trái tim của bạn khỏe mạnh, AHA khuyến nghị tám hành vi và yếu tố sức khỏe. Đây là những biện pháp chính để cải thiện và duy trì sức khỏe tim mạch.

Sức khỏe tim mạch tốt sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

  • Ăn uống tốt hơn bằng cách bổ sung thêm thực phẩm nguyên chất, trái cây và rau quả, protein nạc, các loại hạt, và nấu ăn với dầu ô liu.

  • Vận động nhiều hơn bằng cách tập thể dục vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc 75 phút hoạt động mạnh.

  • Bỏ nicotin dưới mọi hình thức.

  • Đảm bảo chất lượng giấc ngủ hơn, có thể giúp cải thiện thói quen ăn uống, tâm trạng, trí nhớ, các cơ quan nội tạng và hơn thế nữa.

  • Kiểm soát cân nặng bằng cách ăn uống lành mạnh hơn và tập thể dục nhiều hơn.

  • Duy trì mức cholesterol lành mạnh, để giảm nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ.

  • Kiểm soát lượng đường trong máu để tránh phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch.

  • Kiểm soát huyết áp bằng cách thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.



Theo tạp chí Healthline.

Facebook Top
Zalo