Căng thẳng, lo âu, hay phiền muộn thời thơ ấu có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn khi trưởng thành
- Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng những căng thẳng, lo âu, hay buồn phiền khi còn nhỏ có thể góp phần gây ra các bệnh về tim mạch chuyển hóa ở tuổi trưởng thành.
Các nhà nghiên cứu cho rằng nồng độ hormone căng thẳng cao tiết ra có thể góp phần gây ra bệnh tim.
Vì vậy, các chuyên gia cũng chia sẻ một số cách để cha mẹ có thể giúp trẻ hiểu và đối phó với căng thẳng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người trưởng thành có mức độ căng thẳng cao, đặc biệt là những người hay căng thẳng từ tuổi thiếu niên, có thể có nhiều khả năng phát triển các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim mạch khi còn trẻ. Ví dụ, căng thẳng cao độ có thể dẫn đến độ dày động mạch cổ cao hơn, làm tổn thương mạch máu và dấu hiệu phì đại có thể dẫn đến chứng xơ vữa động mạch.
Nhận thức tầm quan trọng của sự căng thẳng, lo âu ở trẻ em là cần thiết
Tiến sĩ Sameer Amin, bác sĩ tim mạch và giám đốc y tế tại L.A. Care Health Plan, cho biết: “Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng việc giảm bớt các căng thẳng, lo âu, hay muộn phiền ở trẻ nhỏ là một phần không thể thiếu trong chiến lược y tế cộng đồng”.
“Không có gì đáng ngạc nhiên, khi mà mức độ căng thẳng cao có thể dẫn đến những lối sống và thói quen sinh hoạt làm giảm sức khỏe tim mạch. Khi chúng ta không bị căng thẳng, lo âu, hay mệt mỏi, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên sẽ đến một cách tự nhiên”, Amin nói với tờ Medical News Today.
Các chuyên gia cho biết những phát hiện này cho thấy rằng việc thúc đẩy các chiến lược đối phó với căng thẳng ngay từ đầu đời có thể làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh chuyển hóa tim mạch khi trưởng thành.
Tại sao căng thẳng có thể dẫn đến bệnh tật?
Tiến sĩ Andrew Freeman, bác sĩ tim mạch tại National Jewish Health, cho biết: “Nếu tôi cần đưa ra giả thuyết, điều này có thể là do nếu ai đó có tiền sử căng thẳng mãn tính – từ thời thơ ấu – họ vốn đã có những cách đối phó với căng thẳng không đúng cách, và điều này tiếp tục kéo dài đến khi trường thành”
Tiến sĩ Daniel Ganjian, bác sĩ nhi khoa tại Trung tâm Y tế Providence Saint John ở California, cho biết: “Bộ não và cơ thể vẫn đang phát triển trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên, vì vầy, việc căng thẳng, lo âu, hay muộn phiền có thể làm gián đoạn quá trình phát triển này”.
“Căng thẳng mãn tính có thể dẫn đến sự thay đổi nồng độ hormone căng thẳng, tình trạng viêm nhiễm và các yếu tố sinh học khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Trẻ em và thanh thiếu niên có thể có ít kỹ năng đối phó và ít vốn hiểu biết để quản lý căng thẳng một cách hiệu quả”, tiến sĩ Ganjian trao đổi với Medical News Today.
Xây dựng các chiến lược đối phó lành mạnh
Tiến sĩ Freeman nói: “Chúng ta cần phải chấp nhận rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đầy căng thẳng. “Cha mẹ đóng vai trò giúp trẻ phát triển các phương pháp giảm căng thẳng.”
Tiến sĩ Ganjian cung cấp một số phương pháp lành mạnh:
Hoạt động thể chất thường xuyên: Tập thể dục giải phóng endorphin, có tác dụng cải thiện tâm trạng.
Các kỹ thuật thư giãn: Thiền, yoga và hít thở sâu có thể giúp làm dịu tâm trí và cơ thể.
Thói quen ngủ lành mạnh: Ngủ đủ giấc rất cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Kết nối xã hội: Dành thời gian với những người thân yêu có thể mang lại sự hỗ trợ và an ủi.
Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia: Nếu căng thẳng mệt mỏi quá mức, hãy nói chuyện với nhà trị liệu hoặc nhân viên tư vấn trước khi chúng phát triển đến những vấn đề nghiêm trọng hơn, như trầm cảm ở trẻ em.
Tiến sĩ Freeman nói thêm: “Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh là điều cần thiết. “Mọi người đều có một số hình thức giảm căng thẳng phù hợp với mình. Điều quan trọng là họ phải xác định được điều gì hiệu quả và phát triển dựa trên điều đó. Nhiều người nhận thấy thiền và yoga có tác dụng.”
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), việc xem, đọc, nghe tin tức và lướt mạng xã hội có thể khiến chúng ta tập trung vào những điều sai trái trên thế giới và gây ra căng thẳng.
Trẻ em có thể bị choáng ngợp bởi những sự kiện đau thương, ngay cả những sự kiện mà chúng không trải qua nhưng chỉ thấy trên tivi hoặc nghe nói đến. Trẻ em có thể không hiểu những gì chúng đang xem nhưng vẫn cảm thấy căng thẳng.
CDC đưa ra những lời khuyên sau đây cho phụ huynh:
Duy trì thói quen sinh hoạt bình thường.
Nói chuyện, lắng nghe và khuyến khích sự biểu đạt.
Theo dõi những thay đổi trong hành vi.
Hãy trấn an con bạn rằng chúng được an toàn.
Làm việc với nhà trường và các phụ huynh khác để tìm ra cách giúp con bạn kết nối và nói chuyện với người khác.
Tiến sĩ Hmoud nói: “Cha mẹ nên thúc đẩy một môi trường sống khuyến khích sự giao tiếp cởi mở với con cái mình. “Trong thời đại truyền thông xã hội, điều quan trọng là cha mẹ phải giáo dục con cái cách sử dụng hợp lý các nền tảng mạng xã hội nói trên để tránh làm tình trạng tệ đi trong một môi trường vốn đã căng thẳng”.
Theo Medical News Today