Giỏ hàng

Ống nuôi ăn: Những điều bệnh nhân ung thư và người chăm sóc nên biết

Nuôi ăn bằng ống là một phương pháp quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư trong quá trình điều trị. Ngoài đội ngũ y bác sĩ, bản thân người bệnh cũng như người thân bệnh nhân cần phải nắm được một số kiến thức cơ bản về ống nuôi ăn để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình sử dụng ống.

Ống nuôi ăn, hay còn gọi là xông nuôi ăn, một giải pháp hữu hiệu cho bệnh nhân ung thư đang phải vật lộn với việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý trong quá trình điều trị ung thư. Nuôi ăn qua ống thông có thể giúp bệnh nhân ung thư cung cấp calo, protein, vitamin, khoáng chất và chất lỏng cần thiết để chống lại nhiễm trùng, chữa lành và khỏe mạnh trong và sau quá trình điều trị ung thư. Tuy nhiên, đây có thể là một sự thay đổi lớn trong lối sống của họ.

Khi nào bệnh nhân ung thư phải sử dụng ống nuôi ăn?

Bệnh nhân ung thư phải sử dụng phương pháp này khi họ không thể ăn thông qua miệng do gặp phải vấn đề về hệ tiêu hóa (khó nuốt, có lỗ rò trong thực quản - dạ dày) hoặc do các quá trình điều trị như hóa xạ trị và phẫu thuật. Xông nuôi ăn đưa các chất dinh dưỡng trực tiếp vào dạ dày hoặc ruột, giúp bệnh nhân duy trì lượng dinh dưỡng cần thiết để phục hồi và chống lại tác động phụ của liệu pháp.

Ống nuôi ăn được đặt vào cơ thế như thế nào?

Cách đặt ống nuôi ăn tùy thuộc vào loại ống mà bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân. Hiện có 3 loại ống nuôi ăn thường được sử dụng:

Ống thông mũi-dạ dày (ống NG): Ống NG được đặt vào mũi, đi qua thực quản và vào dạ dày, nên không yêu cầu phẫu thuật. Dây nuôi ăn mũi - dạ dày thường chỉ được sử dụng tạm thời và dành cho những bệnh nhân ung thư không thể ăn trong thời gian ngắn sau khi phẫu thuật.

Ống thông dạ dày (ống G): Ống G đưa dinh dưỡng trực tiếp đến dạ dày thông qua một lỗ nhỏ ở thành bụng. Ống dễ sử dụng nên có thể được đặt ngoại trú và không yêu cầu bệnh nhân ở lại qua đêm. Loại ống này thường được sử dụng cho những bệnh nhân phụ thuộc vào ống nuôi ăn trong khoảng 3-4 tháng hoặc lâu hơn.

Ống thông ruột non (ống J): Ống J được đặt vào phần giữa của ruột non thông qua một lỗ nhỏ ở thành bụng, và có thể được đặt nội trú hoặc ngoại trú. Ống cung cấp dinh dưỡng và thuốc cho đến khi người đó đủ sức khỏe để ăn bằng miệng. Ống hoàn toàn không đi qua dạ dày nên phù hợp cho những bệnh nhân không thể tiêu hóa thức ăn trong dạ dày, như một số trường hợp ung thư dạ dày. Đây là loại ống có thể sử dụng lâu dài.

Đối với 3 loại ống phổ biến nêu trên, bệnh nhân có thể tự quản lý được. Nhưng tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần, họ có thể cần sự giúp đỡ của người chăm sóc hoặc bác sĩ chuyên khoa.

Ống nuôi ăn hoạt động như thế nào?

Các loại xông nuôi ăn khác nhau sẽ hoạt động theo những cách khác nhau. Một số loại sẽ sử dụng máy bơm để đưa thức ăn, thường là sữa công thức. Có loại sẽ dựa vào túi trọng lực hoặc bơm tiêm để đẩy thức ăn. Bác sĩ, y tá chăm sóc sẽ hướng dẫn người bệnh cụ thể cách sử dụng loại ống mà họ đang dùng. 

Có phản ứng phụ nào khi sử dụng ống nuôi ăn không?

Thường thì không. Tuy nhiên, vẫn có một số bệnh nhân có thể gặp cảm giác buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy, nhưng điều này có thể được giải quyết bằng cách điều chỉnh lượng sữa công thức và thời gian ăn. Nếu những tác dụng phụ này vẫn tiếp diễn, bác sĩ sẽ kê thuốc chống buồn nôn.

Bên cạnh đó, việc làm sạch ống nuôi ăn và vùng da xung quanh ống theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế chăm sóc là rất quan trọng. Nếu không, bệnh nhân rất dễ gặp nguy cơ viêm nhiễm, vùng da quanh ống bị nhiễm trùng sẽ trở nên đỏ và sưng.

Facebook Top
Zalo