Tin sáng 24-11: Ca mắc và ca tử vong do COVID-19 đang tăng, hướng dẫn điều trị mới thế nào?
Tin sáng 24-11: Ca mắc và ca tử vong do COVID-19 đang tăng, hướng dẫn điều trị mới thế nào?
TTO - Số ca mắc, ca tử vong do COVID-19 tăng trở lại, tuần gần đây có 3/7 ngày số mắc trên 10.000 ca, trung bình số ca mới trong 7 ngày qua là 10.070 ca/ngày, cao hơn nhiều so với tuần trước đó (8.341 ca/ngày), số tử vong cũng cao hơn (121 ca/ngày).
Lực lượng chức năng lập vùng cách ly và tiếp tế vật dụng thiết yếu tại nhiều khu vực thuộc phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội vì phát hiện hàng chục ca F0 - Ảnh: NAM TRẦN
Mặc dù so với giai đoạn cao điểm của dịch, số tử vong trung bình hằng ngày đã giảm gần 3/4, trong khi số ca mắc mới gần tương đương, cho thấy vắc xin có tác dụng nhất định trong giảm số ca có biến chứng nặng và tử vong, tuy nhiên điều này cũng đòi hỏi có can thiêp sớm, tích cực để giảm số ca tử vong trở lại.
Dự kiến ngày mai 25-11, Bộ Y tế sẽ có cuộc họp trực tuyến với 700 điểm cầu, mục đích là "kịp thời rút kinh nghiệm công tác chẩn đoán, điều trị cho người bệnh COVID-19, chia sẻ kinh nghiệm đáp ứng tình hình dịch".
Các em học sinh được tiêm vắc xin sáng 27-10 - Ảnh: T.T.D.
Không cách ly tại nhà nếu F0 trên 50 tuổi, gia đình có người có bệnh lý nền
TP.HCM có hơn 56.000 ca COVID-19 đang được cách ly tại nhà. Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe cho F0 cách ly tại nhà.
Theo hướng dẫn, sau khi khai báo thông tin với trạm y tế, người F0 cách ly tại nhà sẽ được cấp phát gói thuốc A (gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng).
Nếu có triệu chứng nhẹ, người F0 sẽ được nhân viên y tế đánh giá tình trạng sức khỏe, được ký cam kết và cấp phát thuốc kháng virus (gói C) khi có chỉ định dùng thuốc.
Khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 < 96%), người F0 phải liên hệ ngay với cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để được tư vấn, hỗ trợ.
Nếu có chỉ định nhập viện, sẽ được cho sử dụng một liều duy nhất (gói B gồm thuốc kháng viêm và thuốc chống đông) trước khi chuyển viện.
Người dân khi tự xét nghiệm và phát hiện dương tính nên gọi điện đến trạm y tế phường, xã, thị trấn hoặc trạm y tế lưu động để được tiếp cận, đánh giá tình trạng bệnh, điều kiện cách ly để có hướng dẫn điều trị, chăm sóc phù hợp, cấp phát thuốc và can thiệp kịp thời khi có triệu chứng trở nặng, chuyển viện sớm.
Bên cạnh đó, F1 trong gia đình cũng được theo dõi, quản lý và bảo vệ, đặc biệt với gia đình có người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền...
Nhân viên y tế quận Phú Nhuận vào tận các con hẻm để thăm khám cho những F0 đang điều trị tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sở Y tế TP.HCM hướng dẫn chỉ cách ly F0 tại nhà nếu hội đủ các điều kiện:
1. F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút).
2. Độ tuổi từ 1 đến 50 tuổi, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì. Đối với những trường hợp không thỏa điều kiện này vẫn có thể xem xét cách ly tại nhà nếu có bệnh nền ổn định, bảo đảm tiêm đủ 2 mũi hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên.
3. Có khả năng tự chăm sóc: F0 có thể tự chăm sóc bản thân (như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh...); biết cách đo thân nhiệt; có khả năng tự dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu. Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân được thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc.
4. Trong gia đình không có người thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, có bệnh nền, béo phì, có thai...).
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Sử dụng thuốc cho F0 cách ly, điều trị tại nhà như thế nào?
Trong hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho F0 do Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành hướng dẫn như sau:
Thuốc điều trị COVID-19 tại nhà gồm 3 gói (A, B, C):
- Gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và thuốc nâng cao thể trạng;
- Gói thuốc B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt;
- Gói thuốc C là thuốc kháng virus với liều dùng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.
GÓI THUỐC A (dùng trong 7 ngày) cấp ngay cho F0 khi tiếp nhận thông tin.
1. Paracetamol 500mg
Uống 1 viên khi sốt trên 38.5°C, có thể lặp lại mỗi 4 giờ đến 6 giờ nếu vẫn còn sốt.
2. Các loại vitamin (vitamin tổng hợp hoặc vitamin C)
Vitamin tổng hợp: uống ngày 1 lần, lần 1 viên.
HOẶC
Vitamin C 500mg: uống ngày 2 lần, sáng 1 viên, trưa 1 viên.
GÓI THUỐC B (chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 tại quyết định số 4689/QĐ-BYT ngày 6/10/2021 của Bộ Y tế).
Hướng dẫn người bệnh khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 < 96%) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng 1 liều duy nhất (gói B) trước khi chuyển viện.
3. Dexamethasone 0,5mg x 12 viên
Uống 1 lần, 12 viên (tương đương 6mg)
Hoặc
Methylprednisolone 16mg x 1 viên
Uống 1 lần, 1 viên.
4. Rivaroxaban 10mg x 1 viên
Uống 1 lần, 1 viên.
HOẶC
Apixaban 2,5mg x 1 viên, uống 1 lần, 1 viên.
HOẶC
Dabigatran 220mg x 1 viên
Uống 1 lần, 1 viên.
Lưu ý: Thuốc số 3 và thuốc số 4 không sử dụng trong các trường hợp sau: Phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú, người có mắc một trong những bệnh (viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, các bệnh lý dễ gây chảy máu đường tiêu hóa, đường tiết niệu và các bệnh lý dễ gây chảy máu khác).
GÓI THUỐC C (dùng trong 5 ngày)
Đây là thuốc kháng virus được chỉ định đối với trường hợp F0 có triệu chứng nhẹ, thuốc này được Bộ Y tế cung cấp trong Chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát.
5. Molnupiravir viên 200mg hoặc viên 400mg
Uống ngày 2 lần: sáng 800mg, chiều 800mg, uống 5 ngày liên tục.
Lưu ý:
- Các cơ sở y tế hướng dẫn cho người F0 ký phiếu chấp thuận tham gia Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 nhẹ trước khi cấp phát.
- Thuốc số 5 không sử dụng trong trường hợp phụ nữ đang có thai hoặc có kế hoạch có thai, đang cho con bú.
Lấy mẫu xét nghiệm PCR cho toàn bộ trường hợp test nhanh dương tính ở Đồng Nai mức cao - Ảnh: A LỘC
Tình hình dịch ở các tỉnh thành
- Bà Rịa - Vũng Tàu từ 18h ngày 22-11 đến 18h ngày 23-11 ghi nhận 709 ca dương tính, trong đó có 407 ca cộng đồng. Đây là con số cao kỷ lục của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và gần gấp đôi số ca của ngày 22-11. Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến thời điểm này, tỉnh ghi nhận 10.279 ca bệnh.
- Hà Nội từ 18h ngày 22-11 đến 18h ngày 23-11 ghi nhận 250 ca F0, trong đó có 95 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và khu phong tỏa. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 là 8.262 ca, trong đó 3.045 ca ghi nhận ngoài cộng đồng; 5.217 ca là đối tượng đã được cách ly.
- Từ ngày 5-10 đến ngày 23-11, tỉnh Sơn La phát hiện 100 ca COVID-19 là người trở về từ các địa phương đang có dịch và một số lây nhiễm thứ phát. Toàn tỉnh có 7.126 người theo dõi, cách ly tại cơ sở y tế, cách ly tập trung, cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe cộng đồng.
- Nghệ An từ 18h ngày 22-11 đến 6h ngày 23-11 phát hiện 50 ca dương tính, trong đó có 11 ca cộng đồng. Tính đến 6h ngày 23-11, Nghệ An có 3.773 ca dương tính, trong đó thành phố Vinh có 837 ca, huyện Nghi Lộc 394 ca, huyện Yên Thành 342 ca…
- Tối 23-11, Hà Nam công bố thêm 22 ca dương tính. Đến 17h ngày 23-11, Hà Nam ghi nhận 1.298 ca mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp mã.
- Trong 24 giờ (từ 6h ngày 22-11 đến 6h ngày 23-11), Quảng Bình ghi nhận thêm 51 ca COVID-19 mới, trong đó có nhiều ổ dịch phức tạp tại Đồng Lê, Quảng Phương, Bảo Ninh. Từ ngày 7-10 đến 22-11, Quảng Bình ghi nhận 290 ca dương tính là người trở về từ vùng dịch. Tổng số ca toàn tỉnh từ trước tới nay hiện là 2.441 ca, trong đó 2.118 ca khỏi, 317 bệnh nhân đang điều trị, 6 ca tử vong.
- Từ 18h ngày 22-11 đến 11h ngày 23-11, tỉnh Bến Tre có 169 ca COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 5.036 ca. Trong đó, 2.762 ca ra viện, 58 ca tử vong. Toàn tỉnh có 101,32% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin COVID-19, trong đó có 61,34% dân số tiêm đủ 2 mũi.
- Tiền Giang đến ngày 22-11 đã tiêm được 2.306.565 liều vắc xin. Số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 đạt 99,2%. Số người tiêm đủ 2 mũi đạt 76,1%, trong đó có 167 người tiêm đủ 3 mũi đối với vắc xin Abdala. Số trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm mũi 1 là 58.904/180.146 trẻ, đạt 32,7%.
Nguồn: tuoitre.vn
Liên hệ đơn vị phân phối các thiết bị y tế gia đình và bệnh viện tại Việt Nam
Công ty TNHH thương mại quốc tế MERINCO
Văn phòng giao dịch: Phòng 2304, toà nhà HH2 Bắc Hà. Số 15 Tố Hữu, Thanh Xuân, Hà nội.
ĐT : 02437765118
Email: merinco.sales@gmail.com
WEBSITE: www.merinco.vn / www.meplus.vn / merinco.com.vn