Giỏ hàng

Các Dấu Hiệu Tiểu Đường Khi Đi Bộ: Cảnh Báo Sớm và Cách Kiểm Soát Bệnh

Các triệu chứng tiểu đường khi đi bộ như ngứa ran, chuột rút, mệt mỏi bất thường và sưng chân có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm. Nhận diện kịp thời giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Tìm hiểu cách phòng ngừa và kiểm soát tiểu đường ngay hôm nay.

Các chuyên gia cho biết, các triệu chứng của bệnh tiểu đường có thể xuất hiện trong khi đi bộ. Nếu cảm thấy lạ ở chân khi đi bộ, đây có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường và cần được chú ý ngay từ sớm. Việc nhận diện và hành động kịp thời rất quan trọng để kiểm soát sức khỏe và ngăn ngừa tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Dấu Hiệu Cảnh Báo Sớm Tiểu Đường Khi Đi Bộ

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, tuần hoàn và sức khỏe thần kinh, dẫn đến các triệu chứng có thể xuất hiện trong quá trình đi bộ hằng ngày. Các triệu chứng cần chú ý bao gồm cảm giác ngứa ran, nóng rát, khó chịu hoặc đau nhói ở chân. Những cảm giác này có thể tệ hơn vào ban đêm, và một số người cũng có thể gặp phải chuột rút.
 


Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, tuần hoàn và sức khỏe thần kinh, dẫn đến các triệu chứng có thể xuất hiện trong quá trình đi bộ hằng ngày

1. Cảm giác ngứa ran ở bàn chân và cẳng chân khi đi bộ
Cảm giác ngứa ran, nóng rát hoặc "kim châm" ở chân có thể là dấu hiệu của bệnh thần kinh ngoại biên, một tình trạng do lượng đường trong máu cao gây tổn thương dây thần kinh ở tứ chi. Ban đầu, cảm giác này có thể nhẹ, nhưng theo thời gian sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, có thể tiến triển thành tê lan rộng.

2. Chuột rút ở chân sau khi đi bộ quãng đường ngắn
Chuột rút hoặc cảm giác đau ở bắp chân, đùi hoặc mông có thể chỉ ra bệnh động mạch ngoại biên, một bệnh lý do tiểu đường gây ra. Lượng đường trong máu cao có thể khiến động mạch trở nên hẹp và cứng, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến chân và gây đau, chuột rút hoặc cảm giác nặng nề khi đi bộ.

3. Cảm giác mệt mỏi bất thường sau khi đi bộ một đoạn ngắn
Mệt mỏi nhanh chóng sau khi đi bộ có thể là dấu hiệu của lượng đường trong máu dao động, có thể quá cao hoặc quá thấp. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi không làm gì quá sức, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể không kiểm soát được glucose.

4. Sưng ở bàn chân và mắt cá chân sau khi đi bộ
Sưng ở bàn chân và mắt cá chân sau khi đi bộ có thể là dấu hiệu của tiểu đường, khi bệnh ảnh hưởng đến chức năng thận, gây giữ nước và làm chân sưng lên. Nếu bạn cảm thấy giày trở nên chật hơn hoặc chân có vẻ sưng phù sau khi đi bộ, có thể là do tình trạng giữ nước quá mức.

Cách Kiểm Soát Tiểu Đường Khi Phát Hiện Các Triệu Chứng

Bệnh tiểu đường có thể được kiểm soát nếu phát hiện sớm. Bạn cần theo dõi thời gian và tần suất của các triệu chứng này. Nếu có máy đo đường huyết, hãy đo lượng đường trong máu vào nhiều thời điểm trong ngày để theo dõi tình trạng. Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện tuần hoàn máu và điều hòa lượng đường trong máu.

Ngoài ra, các biện pháp chủ động như kiểm tra sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ ăn uống cân bằng, luôn năng động và kiểm soát căng thẳng sẽ giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả.

Nguồn: thanhnien

Facebook Top
Zalo