Giỏ hàng

Bệnh 'người già' âm thầm quật ngã nhiều người trẻ

Số người trẻ mắc bệnh tim mạch ngày càng tăng, từ 11-13% mỗi năm. Nhiều trường hợp 25-35 tuổi bị nhồi máu cơ tim, suy tim...

Về nhà vào lúc gần nửa đêm, anh Thường, 31 tuổi, ở Hà Nội, tắm và nghỉ ngơi theo thói quen, nhưng sau đó lịm dần, rơi vào hôn mê.

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 103, người bệnh không nhận thức được, liệt nửa người phải, hồi cuối năm 2023. Gia đình cho biết anh tiền sử khỏe mạnh, chưa từng đi viện, không có bệnh nền. Do tính chất công việc làm đêm, anh thường về nhà sau 23h, ăn, tắm muộn, sinh hoạt thất thường so với các thành viên trong gia đình.

Đại diện Khoa Đột quỵ cho biết tình trạng bệnh nhân "lành ít dữ nhiều", huyết áp cao 197/130mmHg, chụp cắt lớp có khối máu tụ lớn. Người bệnh không có bất thường mạch máu, bác sĩ chẩn đoán đột quỵ chảy máu não do tăng huyết áp.

Đo huyết áp thường xuyên
Theo dõi sức khoẻ tim mạch thường xuyên bằng cách đo huyết áp

 

Theo bác sĩ, bệnh nhân bị tăng huyết áp ở tuổi quá trẻ, kết hợp với tắm lạnh khi trời rét buốt, làm khởi phát đột quỵ. Người bệnh không dùng thuốc dự phòng do không biết bản thân mắc bệnh. Trường hợp này bắt buộc phẫu thuật nhưng do tình trạng quá nặng, cần phải hồi sức tích cực rồi mới mổ khi thể trạng cho phép.

"Đây đều là bệnh lý thường gặp ở người già, song đang dần trẻ hóa, âm thầm quật ngã nhiều người trẻ", bác sĩ nói.

Trường hợp khác, nam 31 tuổi, ở Tuyên Quang đột ngột đau ngực dữ dội phải nhập viện, bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Người bệnh tiền sử bị mỡ máu cao, không hút thuốc lá, thi thoảng tập thể thao. Hình ảnh chụp cho thấy mạch vành tổn thương nặng, một nhánh mạch bị tắc hoàn toàn, hai động mạch khác hẹp nặng 80-90%. Đây là trường hợp trẻ tuổi nhất bị nhồi máu cơ tim tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Gánh nặng "bệnh tật kép" vốn là thách thức trong chăm sóc người cao tuổi, trung bình mỗi người già có ba bệnh, trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng. Song gần đây, các nghiên cứu cũng như ghi nhận thực tế từ các bệnh viện cho thấy tỷ lệ người trẻ mắc bệnh người già ngày càng tăng, thậm chí mắc cùng lúc nhiều bệnh nhưng không biết.

Năm 2023, Bộ Y tế ghi nhận khoảng 5-7% số ca đột quỵ là người dưới 45 tuổi. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, tỷ lệ này còn cao hơn, liên quan lối sống và áp lực công việc trong môi trường đô thị hóa. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam nhiều gấp 4 lần nữ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ghi nhận đột quỵ không còn là căn bệnh của người già và phổ biến từ tuổi 60 như trước. Khoảng 10-15% ca đột quỵ trên toàn thế giới xảy ra ở người dưới 45 tuổi, rất đáng báo động.

Tình trạng tương tự đối với bệnh nhân ung thư. Bình quân cứ 100.000 người Việt có 159 ca được chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 trường hợp tử vong. Ngoài ung thư gan, phổi, các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp ung thư vú ở tuổi thanh niên - bệnh trước đây thường gặp ở tuổi trung niên. Bệnh viện Bạch Mai thực hiện khoảng 2.000 ca nội soi đường tiêu hóa mỗi ngày, trong đó khoảng 20% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày và khoảng 1-2% trường hợp ung thư dạ dày, nhiều bệnh nhân mới 20, 30 tuổi.

Số người trẻ mắc bệnh tim mạch ngày càng tăng, từ 11-13% mỗi năm. Nhiều trường hợp 25-35 tuổi bị nhồi máu cơ tim, suy tim...Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam ghi nhận 3.500-4.000 trường hợp can thiệp tim mạch, trong đó 15-17% là bệnh nhân dưới 40 tuổi.

Tăng huyết áp - căn bệnh được coi kẻ giết người thầm lặng - cũng ngày càng trẻ hóa, trong đó tỷ lệ người bệnh tăng huyết áp dưới 30 tuổi chiếm đến 10-15%, theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội tĩnh mạch học TP HCM, giảng viên Đại học Y Dược TP HCM.

Phó giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Viện trưởng Tim mạch Việt Nam, cho biết trong số những người bị tăng huyết áp thì một nửa không biết mình mắc bệnh. Khi biết bệnh, 1/3 trong số đó không điều trị. Trong số những người điều trị, 64% không đạt được huyết áp mục tiêu là dưới 140/90 mmHg.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết các bệnh mạn tính gia tăng nhanh và trẻ hóa trong 20 năm, là thách thức trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhiều người trẻ, khỏe đã mắc cùng lúc nhiều bệnh, khiến đóng góp của họ cho xã hội ít đi, tăng gánh nặng về chi phí, nhân lực chăm sóc...

"Chưa kể, người trẻ mắc bệnh thường không biết bị bệnh, khiến bệnh diễn biến nặng, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sống lâu nhưng không khỏe", PGS nói.

Theo ông Dũng, nguyên nhân chính của xu hướng trên là lối sống, thói quen, chế độ sinh hoạt không hợp lý, dinh dưỡng không lành mạnh, ăn nhiều thực phẩm chế biến, chiên xào, đường... dẫn đến béo phì. Tỷ lệ mắc béo phì ở người trẻ tăng nhanh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch đến sự phát triển của bệnh tiểu đường, ung thư.

Người trẻ lười vận động, phụ thuộc vào phương tiện, máy móc. Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA, Việt Nam là một trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới, hơn 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực.

Ngoài ra, môi trường ô nhiễm từ không khí, đất hoặc nước; sống ở những khu vực có nhiều thực phẩm chế biến sẵn, không thể kiểm soát hoàn toàn nguồn gốc thực phẩm cũng là một nguyên nhân, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó Trưởng khoa Ngoại bụng I (Bệnh viện K Trung ương) cho hay. Thói quen xấu như nghiện thuốc lá, rượu bia, chất kích thích góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh.

Hiện, trình độ y khoa phát triển, sự quan tâm đến sức khỏe của người dân cũng tăng lên, nhiều người đi khám và tầm soát thường xuyên, nhiều bệnh được phát hiện sớm. Tuy nhiên, nhiều người trẻ chủ quan, nghĩ mình còn trẻ nên "bán mạng" kiếm tiền, không có thói quen khám bệnh định kỳ hoặc đến viện khi có dấu hiệu bất thường.

"Đến khi đón tin dữ về bệnh tật, nhóm này thường dễ suy sụp do mang nhiều gánh nặng, áp lực, dễ buông xuôi, từ bỏ hơn", bác sĩ nói.

Lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh góp phần ngăn bệnh tật. 

Để phòng ngừa, chuyên gia khuyến cáo giới trẻ cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng, giữ cân nặng hợp lý. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng sức đề kháng của cơ thể. Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá.

Tránh ăn nhiều mỡ, gia vị hay thức ăn bị mốc; tăng cường hoa quả, rau và các loại vitamin. Tiêm vaccine ngừa một số bệnh nhiễm trùng như viêm gan B, C và tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung.

Người trẻ không nên chủ quan, nghĩ bệnh lý chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà bỏ qua các dấu hiệu, khiến bệnh biến chứng nặng, không thể can thiệp. Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc một năm một lần.

 

Theo: VN Express

Facebook Top
Zalo