Vớ Chống Thuyên Tắc Mạch (TED) giúp ngăn ngừa cục máu đông như thế nào?
Vớ chống thuyên tắc tĩnh mạch, hay gọi tắt là vớ TED (TED hose) là những đôi tất bó màu trắng cao đến đầu gối hoặc đùi, hông eo mà bác sĩ thường kê cho bệnh nhân sử dụng trong thời gian nằm viện. Chúng trông không thời trang cho lắm, nhưng vớ TED là bắt buộc phải có cho sức khỏe của bạn.
Vớ chống tắc mạch là vớ/tất được thiết kế đặc biệt cao đến đầu gối, cao đến đùi, hoặc cao đến eo giúp ngăn ngừa cục máu đông và tình trạng sưng ở chân. Từ viết tắt TED trong vớ TED (Thrombo-Embolic Deterrent), nghĩa là chống tắc mạch.
Khi nào tôi cần mang vớ chống tắc mạch?
Vớ TED đẩy máu lên chân, hướng về tim. Nếu bạn vừa mới phẫu thuật hoặc mắc các bệnh khiến bạn phải nằm một chỗ, bạn có nguy cơ hình thành cục máu đông cao.
Vớ chống tắc mạch được khuyến dùng trong các trường hợp:
Sau phẫu thuật
Nếu bạn phải nằm liệt giường vì bệnh tật hoặc chấn thương
Nếu bạn có tiền sử bị cục máu đông
Không giống như vớ nén, là loại tất giúp cải thiện lưu lượng máu nhẹ nhàng và chống sưng và khó chịu nếu bạn có thể đứng và di chuyển, vớ TED cung cấp mức độ nén ép mạnh hơn.
Sau đây là một cách dễ dàng để ghi nhớ sự khác biệt giữa vớ TED và vớ nén: vớ TED dành cho người nằm liệt giường, vớ nén dành cho người có thể di chuyển được.
Tại sao bạn cần phải mang vớ TED?
Hầu hết thời gian, cơ thể bạn sẽ tự phá vỡ (tan) cục máu đông sau khi vết thương lành lại. Nhưng đôi khi, cục máu đông bất thường hình thành bên trong các mạch máu có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Các biến chứng nguy hiểm khi có cục máu đông bao gồm:
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)
Một tình trạng bệnh lý xảy ra khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu trong cơ thể bạn. Cục máu đông tĩnh mạch sâu thường xảy ra ở những vị trí sau:
Cẳng chân
Đùi
Thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi là cục máu đông hình thành trong mạch máu ở một bộ phận của cơ thể - thường là ở chân - và di chuyển qua mạch máu đến động mạch phổi, tại đó cục máu đông bị kẹt, chặn dòng máu lưu thông trong phổi.
Cục máu đông hình thành như thế nào?
Máu giàu oxy rời khỏi tim bạn qua các động mạch và di chuyển khắp cơ thể xuống đến ngón chân. Tĩnh mạch đưa máu trở lại tim để hấp thụ thêm oxy. Không giống như động mạch, tĩnh mạch dựa vào trọng lực và lực bơm của cơ chân để đưa máu trở về tim.
Nếu bạn vừa mới phẫu thuật hoặc gặp khó khăn khi cử động chân, máu của bạn có thể gặp khó khăn khi di chuyển trở lại tim - bất cứ khi nào máu tụ lại, nguy cơ đông máu của bạn sẽ tăng lên. Các cục máu đông di chuyển đến phổi, tim hoặc não có thể gây tử vong.
Do đó việc sử dụng các biện pháp phòng cục máu đông sau phẫu thuật là rất cần thiết, một trong các biện pháp hữu ích thường được bác sĩ chỉ định là sử dụng vớ chống tắc mạch.
Vớ TED hoạt động như thế nào?
Vớ TED cung cấp các mức độ áp lực khác nhau trên mắt cá chân, giữa bắp chân và đùi để cải thiện lưu lượng máu. Độ căng giảm dần khi vớ di chuyển từ bàn chân đến cẳng chân.
Các loại vớ chuyên dụng này thường được sử dụng kết hợp với các thiết bị máy nén ép áp lực luân phiên (SCD), thường có dạng ống quần dùng một lần, máy có chế độ bóp điện tử từ phần cẳng chân của bạn theo các khoảng thời gian đã đặt.
Ai nên sử dụng vớ chống tắc mạch?
Nếu bạn vừa mới phẫu thuật khiến bạn không thể di chuyển hoặc mắc các bệnh lý cần nằm yên trên giường, hãy trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng vớ chống tắc mạch.
Vì nguy cơ hình thành cục máu đông sau phẫu thuật là rất lớn, nên hầu hết các bác sĩ đều khuyên dùng vớ TED trong quá trình hồi phục trừ khi có tình trạng chống chỉ định đeo vớ.
Vớ TED cũng có thể được khuyến nghị nếu bạn:
Lưu thông máu ở chân kém
Trương lực cơ ở chân kém
Vớ TED có thể không được khuyến nghị nếu bạn:
Vết thương ở chân
Biến dạng chân
Phù nề nghiêm trọng ở chân
Một số tình trạng bệnh tiểu đường
Cách tìm vớ TED vừa vặn
Nếu bạn cần sử dụng vớ chống tắc mạch vì lý do y tế, quần tất phải vừa vặn với chân bạn. Bác sĩ có thể sẽ phải đo kích cỡ chân của bạn, bao gồm chiều rộng mắt cá chân, chiều dài và chiều rộng bắp chân, chiều rộng đùi và chiều dài chân tổng thể.
Vớ TED có dạng quần tất nên có thể khó đi, nhưng chúng được thiết kế vừa vặn để tạo áp lực cần thiết thúc đẩy lưu thông máu ở chân. Vớ phải bó chặt, nhưng phần nén ở gót chân và dây thun ở eo không được cắt vào da của bạn.
Các chuyên gia y tế sẽ tiến hành đánh giá thường xuyên, kiểm tra các điểm áp lực của bạn trong suốt thời gian bạn nằm viện. Nếu bạn phải tiếp tục đi quần tất chống tắc mạch ở nhà, hãy gọi cho bác sĩ nếu tất bắt đầu quá chật hoặc nếu bạn bị phát ban do kích ứng da.
Tôi nên đeo quần tất chống tắc mạch trong bao lâu?
Nếu bác sĩ khuyên bạn đi tất TED, có lẽ bạn sẽ cần phải đeo nó mọi lúc mọi nơi. Hãy đảm bảo:
Tháo tất trước khi tắm
Kiểm tra xem có vấn đề gì về da không trước khi giặt
Mang tất chống trơn (có đế cao su ở dưới) hoặc dép lê hoặc giày khi đi bộ
Quần tất TED thường được khuyến nghị sử dụng trong thời gian ngắn, thường là khoảng ba tuần, cho đến khi bạn có thể đi lại bình thường hoặc có thể được kê đơn một dạng thuốc ngăn ngừa cục máu đông khác, lúc đó, bạn có thể đi tất nén thông thường để ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch nếu muốn.
Theo: HEART HEALTH by Baylor Scott & White Health