Giỏ hàng

Thế nào là Mức Đường Huyết 'Bình Thường'

Mức đường huyết của mỗi người có thể khác nhau tùy thuộc vào việc bạn có mắc tiểu đường hay không, bạn mắc loại tiểu đường nào và liệu có đang mang thai hay không. Cùng tìm hiểu và hiểu rõ hơn về Mức đường huyết "bình thường"

Theo dõi đường huyết – Yếu tố quan trọng trong quản lý tiểu đường


Việc theo dõi đường huyết đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiểm soát bệnh tiểu đường.

Khái niệm “đường huyết bình thường” đôi khi có thể gây hiểu lầm. Thường thì thuật ngữ "bình thường" được dùng để chỉ mức đường huyết của một người không mắc bệnh tiểu đường.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức đường huyết lúc đói bình thường nằm trong khoảng 70 - 100 mg/dL (3,9 - 5,6 mmol/L).

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ngay cả những người không mắc tiểu đường cũng có thể bị tăng đường huyết, đặc biệt là sau khi ăn thực phẩm có nhiều đường.

Bệnh tiểu đường không giống nhau ở mỗi người, vì vậy mức đường huyết mục tiêu của bạn có thể khác với người khác tùy vào nhiều yếu tố.

Mức đường huyết nên là bao nhiêu?

Không có một con số cố định nào cho mức đường huyết lý tưởng. Mức đường huyết mục tiêu có thể khác nhau ở mỗi người.

  • Người mắc tiểu đường thường cố gắng giữ mức đường huyết trung bình dưới 140 mg/dL.

  • Người không mắc tiểu đường có thể hướng tới mức 70 - 100 mg/dL.

Bác sĩ có thể chẩn đoán tiền tiểu đường nếu bạn có kết quả xét nghiệm như sau:

  • Lúc đói: 100 - 125 mg/dL

  • 2 giờ sau ăn: 140 - 199 mg/dL
     

Các hướng dẫn năm 2024 từ Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) được nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tiểu đường áp dụng. Dưới đây là bảng chi tiết về mức đường huyết mục tiêu cho từng nhóm người mắc tiểu đường:
 

 

Trước bữa ăn (lúc đói)

Sau bữa ăn (sau ăn 1 - 2 giờ)

Khác

Người lớn mắc tiểu đường type 1

80 - 130 mg/dL

Dưới 180 mg/dL

Người lớn mắc tiểu đường type 2

80 - 130 mg/dL

Dưới 180 mg/dL

Trẻ em mắc tiểu đường type 1

90 - 130 mg/dL

90 - 150 mg/dL trước khi ngủ/ban đêm

Phụ nữ mang thai (tiểu đường type 1, tiểu đường thai kỳ)

Dưới 95 mg/dL

140 mg/dL (sau ăn 1 giờ)

120 mg/dL (sau ăn 2 giờ)

Người từ 65 tuổi trở lên

80 - 180 mg/dL

80 - 200 mg/dL (đối với người hạn chế vận động, sống trong viện dưỡng lão hoặc giai đoạn chăm sóc đặc biệt)

Người không mắc tiểu đường

Dưới 99 mg/dL

Dưới 140 mg/dL

 

Các hướng dẫn về mức đường huyết chỉ mang tính tham khảo ban đầu không áp dụng giống nhau cho tất cả mọi người. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để tìm ra mức đường huyết phù hợp nhất với mình.

Mức đường huyết đáng lo ngại là bao nhiêu?

Tăng đường huyết (Hyperglycemia) xảy ra khi đường huyết lúc đói cao hơn 125 mg/dL hoặc từ 180 mg/dL trở lên trong vòng 2 giờ sau khi ăn.

Hạ đường huyết (Hypoglycemia) xảy ra khi đường huyết giảm xuống dưới 70 mg/dL. Tuy nhiên, các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi mức đường huyết giảm xuống dưới 55 mg/dL.

Mức đường huyết quá cao hoặc quá thấp có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn gặp các triệu chứng của tăng hoặc hạ đường huyết, bao gồm:

  • Chóng mặt

  • Buồn ngủ

  • Buồn nôn

  • Đau bụng

  • Khát nước nhiều

  • Thở nhanh

  • Tim đập nhanh

  • Rối loạn ý thức

  • Co giật

  • Bất tỉnh

Ngôn từ quan trọng trong bệnh tiểu đường

Cách dùng từ ngữ khi nói về bệnh tiểu đường. Dưới đây là một số gợi ý về cách lựa chọn từ ngữ khi nói chuyện với ai đó về mức đường huyết và lượng glucose của họ.

  • Tránh dùng các từ như “tốt” hay “xấu” để mô tả mức đường huyết cao hay thấp.
    Thay vào đó, chỉ nên xem đó là dữ liệu giúp điều chỉnh việc kiểm soát bệnh. Đôi khi, mức đường huyết có thể quá cao hoặc quá thấp, và điều quan trọng là người bệnh hiểu điều này nghĩa là gì.

  • Tránh những câu hỏi mang tính phán xét như “Bạn đã làm gì để mức đường huyết như vậy?” khi hỏi về mức đường huyết. Thay vào đó, hãy sử dụng cách hỏi nhẹ nhàng hơn như “Bạn có thể chia sẻ về điều đó không?” hoặc “Bạn có biết vì sao điều này xảy ra không?”

  • Tránh hỏi ngay về mức đường huyết khi vừa gặp một người (dù là trẻ em hay người lớn). Điều này có thể khiến họ nghĩ rằng bạn chỉ quan tâm đến bệnh tình thay vì những điều khác về họ. Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi về cuộc sống, công việc hay sở thích của họ trước khi đề cập đến bệnh tình.

  • Người bệnh có thể cảm thấy thất vọng, chán nản hoặc tức giận về mức đường huyết của mình. Nếu họ không đạt được mức đường huyết mong muốn, họ có thể cảm thấy áp lực dễ dẫn đến kiệt sức vì tiểu đường (diabetes burnout) không muốn quan tâm sức khỏe của mình khiến việc kiểm soát bệnh không hiệu quả.

HbA1C có giống với mức đường huyết trung bình không?

Xét nghiệm HbA1C đo mức đường huyết trung bình của bạn trong 3 tháng gần nhất

Khi đường (glucose) đi vào máu, nó gắn với một loại protein gọi là hemoglobin. Người có đường huyết cao sẽ có tỷ lệ hemoglobin bị gắn đường cao hơn.

Kết quả xét nghiệm HbA1C cho biết tỷ lệ phần trăm hemoglobin bị gắn đường, dựa trên các mức đánh giá của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC):

  • Bình thường (không mắc tiểu đường): Dưới 5,7%

  • Tiền tiểu đường: 5,7% - 6,4%

  • Tiểu đường: 6,5% trở lên

Theo CDC, mục tiêu HbA1C nên là 7% hoặc thấp hơn.

Tuy nhiên bạn cần trao đổi với bác sĩ để xác định mục tiêu HbA1C phù hợp nhất. Mức HbA1C không phản ánh tất cả các yếu tố trong kiểm soát tiểu đường, chẳng hạn như sự dao động đường huyết.

Ngoài ra, HbA1C không hoàn toàn giống với mức đường huyết trung bình mà bạn có thể thấy trên máy đo đường huyết cá nhân hoặc thiết bị theo dõi đường huyết liên tục (CGM).

Các chuyên gia tiểu đường thường sử dụng xét nghiệm A1C kết hợp với chỉ số “thời gian trong phạm vi” (TIR) – TIR cho biết bạn duy trì mức đường huyết trong phạm vi mục tiêu bao lâu trong ngày.

Có nên sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục?

Máy theo dõi đường huyết liên tục giúp theo dõi đường huyết theo thời gian thực, cung cấp kết quả mỗi 1 - 5 phút.

Thiết bị này giúp bạn hiểu rõ sự tác động của thực phẩm và hoạt động thể chất đến đường huyết, đồng thời phát hiện sớm các trường hợp tăng đường huyết (hyperglycemia) hoặc hạ đường huyết (hypoglycemia).

Đặc biệt máy sẽ gửi tín hiệu nhắc nhở về tình trạng đường huyết thấp sắp xảy ra khi cơ thể không nhận ra dấu hiệu cảnh báo (hạ đường huyết không nhận biết)

Câu hỏi thường gặp

Mức đường huyết bình thường là bao nhiêu?

Mức đường huyết lúc đói bình thường nằm trong khoảng 70 - 100 mg/dL (3,9 - 5,6 mmol/L).

Mức đường huyết 6,4 mmol/L có bình thường không?

Mục tiêu đường huyết có thể khác nhau tùy vào từng người và nhiều yếu tố, bao gồm việc bạn có mắc bệnh tiểu đường hay không. Mức đường huyết từ 100 - 125 mg/dL (5,7 - 6,4 mmol/L) được xem là tiền tiểu đường.

Mức đường huyết 8,7 mmol/L có cao không?

Điều này phụ thuộc vào thời điểm bạn đo đường huyết: lúc đói hay sau khi ăn.

  • Nếu đo lúc đói, mức 140 - 199 mg/dL (7,8 - 11,0 mmol/L) được xem là cao.

  • Nếu đo 2 giờ sau khi ăn, mức đường huyết có thể lên tới 180 mg/dL (8,5 - 9,0 mmol/L) mà vẫn nằm trong giới hạn cho phép.

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có đánh giá chính xác hơn về tình trạng đường huyết của mình.

Kết luận

Không có một con số cố định nào được coi là mức đường huyết “bình thường” cho tất cả mọi người. Mặc dù có các hướng dẫn lâm sàng về mức đường huyết mục tiêu và xét nghiệm A1C, nhưng "bệnh tiểu đường của bạn có thể khác" so với người khác.

Hãy trao đổi với bác sĩ để xác định mục tiêu đường huyết phù hợp nhất cho bạn. Ngoài ra, các công nghệ tiên tiến máy theo dõi đường huyết liên tục cũng có thể là một lựa chọn để giúp bạn duy trì mức đường huyết tối ưu và cải thiện thời gian trong phạm vi (TIR).

Nguồn: healthline



 

 

Facebook Top
Zalo