Hướng dẫn sử dụng bút tiêm insulin từ A đến Z
Bút tiêm insulin là gì?
Bút tiêm insulin là một thiết bị để cung cấp insulin cho cơ thể.
Bút tiêm insulin có những loại nào?
Đa số các loại bút tiêm insulin là dạng dùng một lần. Dạng bút này sẽ được nạp sẵn insulin. Sau khi sử dụng xong, bút sẽ được vứt đi.
Một số loại bút tiêm tiểu đường khác có thể tái sử dụng bằng cách thay thế hộp insulin. Khi hộp chứa insulin đã được sử dụng hết, sẽ vứt hộp rỗng đi và lắp hộp insulin mới vào lại bút. Lưu ý là luôn sử dụng kim mới mỗi khi tiêm insulin.
Hướng dẫn tiêm insulin đúng cách bằng bút insulin
Chuẩn bị insulin
Kiểm tra nhãn mác và màu sắc của insulin xem có đúng loại và nồng độ insulin hay không. Đồng thời, kiểm tra cả hạn sử dụng trên nhãn, nếu ngày hết hạn đã qua hoặc thấy insulin không bình thường thì hãy sử dụng hộp insulin hoặc bút mới. Với loại bút tái sử dụng, hãy làm theo đúng hướng dẫn lắp hộp insulin vào bút của nhà sản xuất.
Trộn đều insulin đục. Đôi khi insulin đục sẽ bị tách lớp. Insulin sẽ vẫn còn đục sau khi trộn nhưng nó sẽ đục một cách đồng đều hơn. Hãy nhẹ nhàng lăn bút qua lại giữa hai lòng bàn tay. Lặp lại điều này 10 lần. Đừng lắc bút vì điều này có thể làm cho insulin kết tụ lại với nhau. Tiếp theo, hãy nhẹ nhàng đưa đầu bút lên xuống 10 lần. Không sử dụng insulin nếu thấy insulin bị vón cục sau khi trộn.
Chuẩn bị bút tiêm insulin
Các bước sử dụng bút tiêm gần như nhau đối với bất kỳ loại bút bạn đang sử dụng:
- Lấy bút mới ra khỏi tủ lạnh 30 phút để insulin về nhiệt độ phòng trước khi sử dụng.
- Rửa sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay có cồn. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Tháo nắp ra khỏi bút. Lau sạch khu vực gắn kim bằng bông tẩm cồn.
- Gắn kim mới vào bút. Tháo miếng dán bảo vệ ra khỏi kim. Đừng tháo nắp bên ngoài của kim. Gắn kim vào bút và xoay kim theo chiều kim đồng hồ cho đến khi không thể vặn thêm nữa, đảm bảo kim thẳng và không bị cong vẹo.
- Đẩy bọt khí ra khỏi bút và kim tiêm. Không khí có thể gây đau khi tiêm, vì vậy hãy xoay vòng chọn liều lượng đến vạch số 2. Hầu hết các loại bút tiêm tiểu đường insulin sẽ phát ra tiếng tách cho mỗi đơn vị insulin khi quay vòng điều chỉnh số. Sau đó, dựng thẳng bút sao cho mũi kim hướng lên và búng nhẹ bút để bọt khí di chuyển lên đầu bút. Nhấn nút tiêm để đẩy bọt khí ra ngoài. Bạn sẽ thấy một giọt insulin trên đầu bút. Nếu không nhìn thấy giọt thuốc, hãy thay kim mới và lặp lại bước này. Nếu không thấy giọt insulin sau khi đã lặp lại bước này 3 lần thì hãy sử dụng bút mới.
- Chọn liều lượng chính xác trên bút. Xoay vòng chọn liều cho đến khi cửa sổ hiện số đơn vị được chỉ định. Vòng chọn liều có thể xoay theo cả hai chiều để lựa chọn đúng liều lượng. Bạn không thể chọn liều lớn hơn số đơn vị định sẵn trên bút. Hãy đổi bút khác nếu không đủ liều insulin sẵn trong bút. Thay vào đó, bạn có thể tiêm một phần liều của mình với lượng insulin còn lại trong bút cũ và sử dụng bút mới để tiêm phần còn lại của liều thuốc.
Tiến hành tiêm insulin
- Làm sạch vùng da sẽ tiêm với một miếng bông tẩm cồn. Để vùng da khô trước khi tiêm sẽ làm giảm đau.
- Dùng hai ngón tay cái và trỏ véo nhẹ da lên.
- Giữ kim thẳng góc và tiêm vào da, lưu ý không để kiêm ở một góc nghiêng. Buông túm da.
- Ấn nút để tiêm insulin cho đến khi cửa sổ hiện số liều về mức 0 và giữ kim tại chỗ trong 10 giây.
- Rút kim ra và đóng nắp kim tiêm. Dùng tay để nhấn vào vị trí tiêm trong 5 đến 10 giây để giúp insulin không bị rò rỉ ra ngoài. Tránh chà xát vào vết tiêm.
- Vặn tháo kim đã được đóng nắp ra khỏi bút theo chiều ngược kim đồng hồ. Đặt kim đã sử dụng vào chai nhựa dày đựng nước giặt hoặc hộp đựng kim loại. Hãy sử dụng loại hộp nào có nắp đậy kín.
- Đóng nắp bút và bảo quản theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
Vị trí nào trên cơ thể có thể tiêm insulin?
Có thể tiêm insulin vào bụng, phần cánh tay trên, mông, hông, mặt trước và mặt bên của đùi. Insulin hoạt động nhanh nhất khi được tiêm vào bụng. Không tiêm insulin trong vòng 5cm tính từ rốn và không tiêm vào bất kỳ vết rạn da nào.
Không tiêm insulin vào những nơi có vết thương hoặc vết bầm tím. Insulin được tiêm vào những vùng này có thể không được hấp thụ một cách chính xác. Không tiêm insulin qua quần áo của bạn. Việc tiêm qua quần áo có thể làm nhiễm bẩn kim và có thể gây nhiễm trùng.
Thay đổi vùng cơ thể sau mỗi lần tiêm insulin. Ví dụ, bạn có thể chuyển giữa các vùng khác nhau trong vùng bụng sau mỗi lần sử dụng bút tiêm. Nếu insulin được tiêm liên tục vào một khu vực, bạn có thể bị sưng tấy, nổi cục u, hoặc bị loạn dưỡng mỡ.
Làm cách nào để bảo quản bút tiêm insulin?
Hãy thực hiện theo hướng dẫn sử dụng đi kèm với bút tiêm và insulin. Sau đây là các hướng dẫn chung:
- Bút chưa mở có thể được bảo quản trong tủ lạnh cho đến khi sử dụng.
- Hầu hết các bút insulin đã mở chỉ cần bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát trong nhiệt độ phòng. Vứt bỏ bút đã bị đóng băng hoặc tiếp xúc với nhiệt độ trên 30°C. Nếu đi du lịch, hãy giữ bút trong túi mát giữ nhiệt.
- Không để bút dưới ánh nắng trực tiếp hoặc trong ô tô.
- Không lưu trữ bút với kim đính kèm.
Khi nào cần sự hỗ trợ của bác sĩ
- Bạn cảm thấy hoặc nhìn thấy cục cứng trên vùng da tiêm insulin.
- Bạn nghĩ bạn đã tiêm quá nhiều hoặc tiêm không đủ lượng.
- Mũi tiêm của bạn rất đau.
- Bạn nhìn thấy máu hoặc chất lỏng trong suốt trên chỗ tiêm của mình (nhiều hơn một lần) sau khi tiêm insulin.
- Bạn có thắc mắc về cách tiêm.
- Bạn không có đủ khả năng để mua các dụng cụ hay thiết bị chăm sóc bệnh tiểu đường như máy đo đường huyết, que thử đường huyết, bơm tiêm insulin,...
- Bạn có thắc mắc hoặc quan tâm về tình trạng hoặc vấn đề chăm sóc sức khỏe của bạn.
Thông tin ở phía trên mang tính giúp đỡ bạn tìm hiểu thông tin và giáo dục về bút tiêm insulin. Nó không nhằm mục đích tư vấn y tế cho các điều kiện hoặc phương pháp điều trị cá nhân. Hãy nói chuyện với bác sĩ, y tá của bạn trước khi tuân theo bất kỳ chế độ điều trị y tế nào để xem nó có an toàn và hiệu quả cho bạn hay không. Để được tư vấn và hỗ trợ về các vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường, hãy liên hệ ngay với chúng tôi Công ty TNHH Thương mại Quốc tế MERINCO Văn phòng 1: P.2304, toà nhà HH2 Bắc Hà. Số 15 Tố Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội |