Đái Tháo Đường: Những Điều Cần Biết
Tìm hiểu đầy đủ về bệnh đái tháo đường: nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán, biến chứng và cách điều trị hiệu quả. Hướng dẫn kiểm soát đường huyết, chế độ ăn, luyện tập và dùng thuốc đúng cách để phòng biến chứng, đặc biệt ở đái tháo đường tuýp 2.
Đái tháo đường là bệnh gì?
Đái tháo đường, hay còn gọi là tiểu đường, là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa, trong đó lượng glucose trong máu tăng cao kéo dài. Glucose là nguồn năng lượng chính cho các hoạt động của cơ thể, và để glucose đi vào tế bào, ta cần có insulin – một loại hormone được tiết ra từ tụy. Khi cơ thể thiếu insulin, hoặc insulin hoạt động kém hiệu quả (gọi là kháng insulin), glucose không thể được hấp thu bình thường vào tế bào, khiến lượng đường trong máu tăng lên. Ngoài rối loạn chuyển hóa glucose, bệnh còn ảnh hưởng đến chuyển hóa chất đạm (protid) và chất béo (lipid).
Có năm dạng đái tháo đường chính:
Tuýp 1 là dạng thiếu insulin hoàn toàn, thường xuất hiện ở trẻ em và khởi phát nhanh với các triệu chứng rõ rệt.
Tuýp 2 là dạng phổ biến nhất (hơn 80% trường hợp), chủ yếu do đề kháng insulin và thường tiến triển âm thầm, dễ bị phát hiện muộn.
Tuýp 3 là dạng thứ phát do tổn thương tụy hoặc do sử dụng thuốc làm tăng đường huyết.
Tuýp 4 xuất hiện ở phụ nữ mang thai, còn gọi là tiểu đường thai kỳ và thường biến mất sau khi sinh.
Tuýp 5 gặp ở người gầy yếu, suy dinh dưỡng.
Làm sao để chẩn đoán đái tháo đường?
Việc chẩn đoán không thể chỉ dựa vào triệu chứng mà cần xét nghiệm máu
Người bệnh thường có các biểu hiện như khát nước nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều nhưng vẫn gầy sút. Tuy nhiên, nhiều người không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu và chỉ phát hiện bệnh khi đã có biến chứng. Các biến chứng này có thể là mờ mắt, tê chân tay, suy thận hoặc đột quỵ.
Việc chẩn đoán không thể chỉ dựa vào triệu chứng mà cần xét nghiệm máu. Có bốn cách xác định bệnh:
Đo đường huyết lúc đói (sau khi nhịn ăn từ 8–14 giờ),
Xét nghiệm đường huyết bất kỳ khi có triệu chứng,
Làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống
Đo chỉ số HbA1C – phản ánh mức đường huyết trung bình trong ba tháng gần nhất.
Biến chứng và mức độ nguy hiểm của bệnh
Nếu bệnh nhân và người chăm sóc không kiểm soát tốt, đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Các mạch máu nhỏ bị tổn thương có thể dẫn đến mù lòa, suy thận hoặc mất cảm giác ở tay chân. Tình trạng này thường xuất hiện sau nhiều năm mắc bệnh. Trong khi đó, biến chứng ở mạch máu lớn như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não hoặc tắc mạch chi dưới làm tăng nguy cơ tử vong sớm.
Người mắc đái tháo đường cũng dễ bị nhiễm trùng, như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu, hoặc nhiễm trùng răng miệng. Đặc biệt, nhiễm trùng bàn chân có thể dẫn đến cắt cụt chi với nguy cơ cao gấp 15–30 lần người bình thường. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân tuýp 2 còn có các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hoặc gút.
Điều trị đái tháo đường tuýp 2 như thế nào?
Việc điều trị nhằm mục tiêu kiểm soát lượng đường trong máu và ngăn ngừa biến chứng. Ba biện pháp chính cần được thực hiện đồng thời: ăn uống lành mạnh, vận động thể chất đều đặn và sử dụng thuốc theo chỉ định.
Chế độ ăn cần ưu tiên thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, giàu chất xơ như rau xanh, hạn chế tinh bột hấp thu nhanh. Bệnh nhân nên ăn đúng bữa, vừa đủ no và có thể bổ sung thêm bữa phụ nếu cần.
Tập luyện thể dục cường độ vừa phải, ví dụ như đi bộ nhanh hoặc đạp xe khoảng 30 phút mỗi ngày và ít nhất năm ngày trong tuần, giúp tăng hiệu quả sử dụng insulin và cải thiện sức khỏe tim mạch. Việc tập nặng cần tham khảo ý kiến bác sĩ, đặc biệt nếu đường huyết quá thấp hoặc quá cao.
Thuốc điều trị thường được kê ngay từ khi chẩn đoán. Có nhiều nhóm thuốc với cơ chế khác nhau như: kích thích tụy tiết insulin (nhóm sulfonylurea), cải thiện đề kháng insulin (nhóm metformin), hoặc vừa tăng tiết insulin vừa giảm đề kháng (nhóm gliptin). Một số thuốc giúp thải glucose qua thận (nhóm flozine). Trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể phải tiêm insulin mỗi ngày. Sự lựa chọn thuốc sẽ phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng cụ thể của từng người.
Mục tiêu điều trị
Đối với người bệnh tuýp 2 khỏe mạnh hoặc chỉ có biến chứng nhẹ, mục tiêu là giữ mức glucose máu trước bữa ăn trong khoảng 4,4–7,2 mmol/L và sau ăn dưới 10 mmol/L. Chỉ số HbA1C nên dưới 7% và được kiểm tra mỗi ba tháng. Tuy nhiên, đối với người lớn tuổi, sống một mình hoặc đã có nhiều biến chứng, các chỉ số này có thể điều chỉnh cao hơn để tránh hạ đường huyết quá mức.
Ngoài đường huyết, bệnh nhân cần kiểm soát huyết áp dưới 130/80 mmHg, giữ cân nặng hợp lý và giảm cân nếu béo phì. Mức LDL-cholesterol (mỡ xấu) nên được duy trì dưới 2,6 mmol/L.
Những nguyên tắc cần tuân thủ trong điều trị
Người bệnh cần dùng thuốc đúng theo chỉ định, bao gồm cả thuốc điều trị tăng huyết áp và mỡ máu nếu có. Duy trì lối sống lành mạnh, tránh hút thuốc và hạn chế rượu bia là rất quan trọng. Người mắc tiểu đường cần kiểm tra bàn chân hàng ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu sưng, loét và đến khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường.
Đường huyết mao mạch nên được đo hàng ngày, đặc biệt khi thấy mệt, đói. Nếu chỉ số dưới 4,0 mmol/L, bệnh nhân cần ăn bổ sung ngay và báo cho bác sĩ. Việc khám định kỳ cần được duy trì đều đặn, và trong trường hợp chưa đi khám được, người bệnh nên chủ động mua thuốc theo đơn cũ để tránh gián đoạn điều trị. Tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc. Đồng thời, người bệnh cũng nên tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin như viêm gan virus, cúm, Zona và phế cầu để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Nguồn: Theo bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, bệnh viện Bạch Mai