Giỏ hàng

Phình đại tràng bẩm sinh: triệu chứng và cách chữa bệnh

Phình đại tràng bẩm sinh có thể gây tắc ruột, rất nguy hiểm. Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh lại rất dễ phát hiện và có thể chữa khỏi hoàn toàn. Vậy căn bệnh này gây ra những triệu chứng như thế nào và phương pháp điều trị là gì?

1. Triệu chứng phình đại tràng bẩm sinh

Hiện tượng mà khi đó đại tràng bị giãn ra làm giảm nhu động, khi đó, ruột có nhiều thời gian tái hấp thu nước nên phân khô, đại tiện xuất hiện một số bất thường, đặc biệt là tình trạng táo bón kinh niên gọi là đại tràng. Bệnh còn có một tên gọi khác là Hirschsprung hay bệnh vô hạch đại tràng bẩm sinh.

Phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ
Phình đại tràng bẩm sinh có thể gây tắc ruột

 

Bệnh Hirschsprung là do sự vắng mặt bẩm sinh của đám rối hạch tự động Meissner và Auerbach trong thành ruột. Chính là không có sự tồn tại của tế bào thần kinh (và do đó mất khả năng phân bố thần kinh) ở ruột dưới, thường giới hạn ở đại tràng, dẫn đến tắc một phần hoặc toàn bộ về mặt chức năng. 

Bệnh có thể gây ra triệu chứng táo bón và chướng bụng. Ở một số trẻ, triệu chứng bệnh sẽ xuất hiện rất rõ ràng ngay từ khi trẻ sinh ra, nhưng một số trường hợp khác, khi trẻ lớn lên mới xuất hiện những triệu chứng bệnh: 

- Ở những trẻ sơ sinh: Dấu hiệu bệnh dễ nhận biết nhất là tình trạng không đi ngoài phân su, sau 24 giờ. Bên cạnh đó, bụng trẻ thường chướng căng, nôn ói là biểu hiện của tắc nghẽn đường ruột ở xa. Đôi khi, trẻ sơ sinh bị rối loạn vô hạch đoạn ngắn chỉ có táo bón nhẹ hoặc không liên tục, kèm theo các đợt tiêu chảy nhẹ, dẫn đến chẩn đoán muộn. 

- Đối với những trẻ lớn hơn: Trẻ sẽ có một số triệu chứng như táo bón kéo dài, trẻ không thể tự đi đại tiện mà thường xuyên phải tháo thụt. Phân không đóng thành khuôn, nặng mùi, phân có màu đen do khuẩn bệnh tích tụ và các triệu chứng và dấu hiệu có thể bao gồm chán ăn, táo bón, khó đi đại tiện và khi khám trực tràng, trực tràng trống rỗng do phân nằm ở vị trí cao hơn và khi rút ngón tay kiểm tra thấy có rất nhiều phân bài xuất ra (dấu hiệu vụ nổ). Trẻ nhũ nhi có thể chậm tăng trưởng. Nếu xuất hiện những bất thường này, mẹ không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đi khám sớm.

2. Phình đại tràng có nguy hiểm không?

Bệnh phình đại tràng bẩm sinh là bệnh nguy hiểm và có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như sau:

- Bệnh khiến trẻ ăn uống kém dẫn đến suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ.

- Gây viêm ruột và tình trạng này có thể tái phát nhiều lần. 

- Tắc ruột, thủng ruột, đe dọa tính mạng của trẻ. 

3. Phương pháp chẩn đoán bệnh

Ngoài thăm khám triệu chứng của trẻ, bác sĩ cần thực hiện một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để đưa ra kết luận chẩn đoán bệnh chính xác:

- Thụt barit

- Hút trực tràng hoặc sinh thiết bằng phẫu thuật

- Đo áp lực trực tràng

- Chụp X-quang có dùng chất cản quang: Qua phương pháp này, bác sĩ sẽ thấy rõ được đoạn ruột hẹp và ruột dãn. 

- Lấy mẫu mô đại tràng để xét nghiệm: Thông qua phương pháp này, bác sĩ có thể chẩn đoán trẻ có bị phình đại tràng bẩm sinh hay không. Có thể nói rằng, đây là tiêu chuẩn vàng và rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ chẩn đoán bệnh cần có có chuyên môn cao và dày dặn kinh nghiệm.

Phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ
Phình đại tràng (đại tràng vô hạch) ở trẻ

 

4. Điều trị phình đại tràng bẩm sinh 

Phương pháp điều trị duy nhất đối với những trường hợp bị phình đại tràng bẩm sinh là phẫu thuật và chăm sóc nội khoa. 

Nếu cần thiết, thời điểm phẫu thuật có thể thực hiện ngay ở lứa tuổi sơ sinh. Phương pháp này sẽ giúp cắt bỏ những đoạn ruột bị hẹp, đoạn chuyển tiếp và đoạn bị phình giãn. Đồng thời kéo phần ruột khỏe mạnh qua ống đại tràng ở bên trong và nối với hậu môn.

Khi kỹ thuật chưa phát triển, bệnh nhân có thể trải qua 3 lần phẫu thuật. Trước hết, bác sĩ sẽ làm hậu môn nhân tạo ở trên bụng. Đây là nơi mà phân sẽ đi ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, các bác sĩ chỉ cần thực hiện mổ nội soi 1 lần. 

Sau phẫu thuật, phần lớn bệnh nhân đều có thể đại tiện bình thường. Thời gian đầu, trẻ có thể gặp phải những vấn đề như són phân, táo bón, đại tiện chưa ổn định. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần lưu ý đưa trẻ đi khám định kỳ sau mổ theo lịch hẹn của bác sĩ. Qua mỗi buổi khám định kỳ, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng của trẻ và đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho phụ huynh về cách chăm sóc trẻ để phòng tránh nguy cơ biến chứng. 

Sau mổ, phụ huynh cần lưu ý:

- Cho trẻ ăn nhiều chất xơ từ các loại ngũ cốc, rau củ, các loại trái cây,... 

- Bên cạnh đó, cần khuyến khích trẻ uống nhiều nước và rèn luyện thói quen đi vệ sinh hàng ngày, hạn chế tối đa nguy cơ táo bón. 

- Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý, chỉ cho trẻ dùng thuốc nếu có chỉ định của bác sĩ. 

- Chỉ nên cho trẻ ăn những món ăn dạng mềm, lỏng. Hạn chế những thực phẩm cứng, quá chua hoặc quá cay để tránh làm kích thích đại tràng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Bệnh phình đại tràng bẩm sinh liên quan nhiều đến yếu tố di truyền, vì thế rất khó để tìm ra phương pháp khắc phục triệt để. Do đó, nếu trong gia đình có người bị bệnh thì bạn nên cho trẻ đi khám định kỳ hoặc khám sớm khi có biểu hiện bất thường để xử trí bệnh kịp thời. Bên cạnh đó nên duy trì chế độ ăn có chứa nhiều chất xơ cho trẻ, khuyến khích trẻ vận động và chăm chỉ tập thể dục để thúc đẩy nhu động ruột.

Trên đây là những thông tin về bệnh phình đại tràng bẩm sinh. Hi vọng cha mẹ đã hiểu rõ hơn về căn bệnh này đặc biệt là những dấu hiệu bệnh để sớm nhận biết những bất thường của trẻ.

 

Theo: Medlatec

Facebook Top
Zalo