Khi nào nên đặt thông tiểu ngắt quãng cho bệnh nhân?
Do nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu cao ở những người đặt thông tiểu cố định nên phương pháp đặt thông tiểu ngắt quãng được sử dụng để thay thế cho đặt sonde tiểu cố định ở một số trường hợp nhất định.
1. Thế nào là đặt thông tiểu ngắt quãng?
Đặt thông tiểu ngắt quãng là một phương pháp dùng một ống thông có thể gắn với một túi nhựa hoặc dụng cụ chứa nước tiểu, ống thông được đặt đi qua đường niệu đạo để lấy nước tiểu từ bàng quang. Ống thông niệu đạo ngắt quãng được sử dụng trong thời gian ngắn và được lấy ra ngay sau khi kiểm tra đã lấy hết nước tiểu, bàng quang đã rỗng.
Thông thường việc sử dụng ống thông tiểu ngắt quãng được thực hiện từ 4-6 lần/ngày hoặc nhiều lần hơn. Nếu đặt ít thường xuyên hơn có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu cao hơn do khối lượng nước trong bàng quang lớn, nếu lớn hơn 400ml sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
Việc thực hiện đặt thông tiểu ngắt quãng có thể do nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân đặt hay chính người bệnh có thể tự học cách đặt nếu không có vấn đề gì cản trở. Việc tự đặt thông tiểu cho mình có thể tránh được đau khi đặt thông tiểu.
2. Khi nào nên đặt thông tiểu ngắt quãng?
Những trường hợp dưới đây được chỉ định đặt thông tiểu ngắt quãng:
Người bị tiểu tiện không tự chủ: Khi bệnh nhân tiểu tiện không tự chủ có thể làm cho nước tiểu bị ứ đọng trong bàng quang tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu.
Bàng quang bị liệt hoàn toàn có thể gặp trong hội chứng bàng quang thần kinh hay đang trong giai đoạn phục hồi: Người bệnh có thể không có phản xạ buồn tiểu, nước tiểu tồn đọng trong bàng quang lâu dẫn tới nhiễm khuẩn.
Bị bí tiểu: Bí tiểu có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, ở nam giới hay gặp do bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt; Hoặc sau phẫu thuật như phẫu thuật tuyến tiền liệt, cơ quan sinh dục...
Ngoài ra, đặt thông tiểu ngắt quãng còn được dùng để khắc phục tình trạng phụ nữ bị són khi đi tiểu rất hiệu quả.
3. Chống chỉ định đặt thông tiểu ngắt quãng
Một số trường hợp có chống chỉ định đặt sonde tiểu ngắt quãng như:
Chấn thương ở bàng quang, tổn thương cơ thắt bàng quang
Bệnh nhân mổ cấp cứu
Người bệnh đang trong giai đoạn bệnh cấp tính
4. Ưu điểm và nhược điểm của đặt thông tiểu ngắt quãng
Ưu điểm:
Người bệnh sẽ hạn chế được những biến chứng khi đặt thông tiểu liên tục như nhiễm trùng, rò rỉ nước tiểu, tắc nghẽn ông thông, co thắt cơ bàng quang...
So với việc thường xuyên phải đặt thông tiểu cả ngày, thì việc đặt ống thông ngắt quãng giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều. Từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nhược điểm:
Cần phải đo lại nước tiểu mỗi ngày, nên các túi chứa nước tiểu mỗi ngày phải bảo quản cẩn thận.
Đối với việc bệnh nhân tự đặt có thể gặp phải một số khó khăn, nhất là nam giới. Còn đối với nữ giới sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm niệu đạo, một số ít trường hợp khi lấy gây ra tổn thương niệu đạo, chảy máu.
5. Những lưu ý khi đặt thông tiểu ngắt quãng
Cần theo dõi những dấu hiệu bất thường sau khi đặt thông tiểu như:
Thường xuyên theo dõi các dấu hiệu sinh tồn mạch, nhiệt độ, huyết áp
Theo dõi số lượng nước tiểu mỗi ngày
Theo dõi màu sắc, tính chất của nước tiểu
Một số tai biến có thể xảy ra sau khi đặt thông tiểu:
Nhiễm trùng: So với đặt thông tiểu cố định, thì thông tiểu ngắt quãng ít gây ra nhiễm khuẩn hơn. Tuy nhiên khi xuất hiện các triệu chứng như sốt, khó chịu khi đặt thông tiểu, nước tiểu đục, có thể lẫn máu...
Chảy máu do tổn thương niệu đạo: Dấu hiệu chảy máu thường gặp ngay sau khi đặt thông tiểu, người bệnh thấy đau khi đặt thông tiểu.
Gây hẹp niệu đạo
Rỉ nước tiểu
Ứ đọng nước tiểu, hình thành sỏi đường tiết niệu: Gặp ở những trường hợp đặt thông ít lần trên ngày, hay không lấy hết nước tiểu trong bàng quang ra mỗi lần đặt thông tiểu.
Nhiễm trùng huyết: Ít gặp, nhưng rất nguy hiểm. Biểu hiện bệnh nhân sốt cao, rét run, đau bụng dưới, nước tiểu đục, có thể có máu, mùi hôi, mạch nhanh, huyết áp thay đổi...
Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho cơ sở y tế để được xử trí đúng, kịp thời.
Một số lưu ý khác khi đặt thông tiểu ngắt quãng như:
Cần đảm bảo các điều sau để ngăn ngừa biến chứng nhiễm trùng niệu:
Phải sử dụng sonde tiểu sạch.
Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi cầm sonde tiểu và sau khi thực hiện thủ thuật.
Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ mỗi ngày, nhất là trước khi đặt sonde tiểu.
Nên uống nhiều nước mỗi ngày, khoảng từ 1,5 đến 2l nước.
Bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin C.
Nên đặt nhiều lần, để tránh bàng quang quá căng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Việc sử dụng ống thông tiểu tại nhà có thể được tái sử dụng, tuy nhiên phải đảm bảo thông tiểu luôn sạch. Không nên tái sử dụng nhiều lần.
Để tránh tổn thương niệu đạo và việc đặt dễ dàng hơn nên dùng dung dịch bôi trơn khi đặt thông tiểu.
Nếu chưa thanh thạo, nên liên hệ một nhân viên y tế giúp đặt tại nhà.
Ngoài ra, thông tiểu có nhiều kích cỡ khác nhau phù hợp với nhiều lứa tuổi. Nên chọn loại thông tiểu phù hợp với mình.
Đặt thông tiểu ngắt quãng giúp hạn chế những biến chứng do đặt thông tiểu cố định gây ra ở một số đối tượng có chỉ định. Ngoài ra giúp cải thiện chất lượng cuộc sống nhất là ở những người bị tiểu tiện không tự chủ phải thường xuyên dùng thông tiểu. Việc đặt thông tiểu ngắt quãng giúp người bệnh không thường xuyên phải mang thông tiểu gây khó chịu. Nếu có thắc mắc về đặt thông tiểu ngắt quãng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Mặc dù đặt ống thông tiểu là thủ thuật đơn giản nhưng có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu. Vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, phối hợp tốt trong và sau khi thực hiện thủ thuật này để tăng tỷ lệ thành công và giảm nguy cơ biến chứng, đồng thời lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại để thực hiện kỹ thuật.
Theo: Vinmec
Để được tư vấn và hỗ trợ về ống thông tiểu silicon, hãy liên hệ ngay với chúng tôi Công ty TNHH Thương mại Quốc tế MERINCO Văn phòng 1: P.2304, toà nhà HH2 Bắc Hà. Số 15 Tố Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội |