Cách chăm sóc mở khí quản của trẻ trong trường hợp khẩn cấp
Xin lưu ý: Thông tin này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin và không nhằm thay thế bất kỳ hình thức giáo dục y tế, đào tạo, điều trị, tư vấn hoặc chẩn đoán nào của các bác sĩ và y tá tại bệnh viện. Luôn luôn tham khảo ý kiến trực tiếp của các bác sĩ và y tá trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến chăm sóc sức khỏe mở khí quản.
Nhiệm vụ của mở khí quản trong việc hít thở là gì?
Mở khí quản là một ca phẫu thuật trong đó một lỗ thông ra da được tạo ra trên khí quản thông qua một vết cắt trên da ở cổ. Sau khi da lành lại, lỗ mở này được gọi là lỗ thông khí quản hoặc đường khí quản nhân tạo. Một ống mở khí quản được đặt tại lỗ thông ra da để giữ cho lỗ mở.
Có hai loại ống mở khí quản khác nhau thường được sử dụng:
Ống mở khí quản bằng nhựa, còn được gọi là ống mở khí quản Shiley
Ống mở khí quản bằng silicon, còn được gọi là ống mở khí quản Bivona
Cách chăm sóc mở khí quản của trẻ trong trường hợp khẩn cấp
Tìm hiểu về cách phòng ngừa tình huống khẩn cấp và những việc cần làm nếu:
Trẻ gặp khó khăn khi thở hoặc ngừng thở
Bạn không thể thay ống mở khí quản
Ống mở khí quản bị rơi ra và bạn không thể đặt lại
Những biện pháp phòng ngừa sau đây có thể giúp tránh một số vấn đề:
Đảm bảo đường thở của trẻ có đủ độ ẩm – độ ẩm sẽ giúp chất nhầy lỏng ra và giảm nguy cơ tắc chất nhầy trong đường thở (nếu bạn nghe thấy tiếng huýt sáo từ khí quản, điều này có nghĩa là đường thở của con bạn bị khô)
Luôn đảm bảo dây đai cố định khí quản được buộc chặt và đủ chặt quanh cổ con bạn
Đảm bảo rằng khí quản thông thoáng và không có vật gì chặn khí quản như quần áo hoặc chăn
Khi trẻ ngủ, nên đeo máy theo dõi ngưng thở hoặc máy đo oxy xung và không ngừng sử dụng trừ khi đã trao đổi với bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng
Nếu trẻ gặp khó khăn khi thở bằng mở khí quản
Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng khó thở là:
Co thắt: Da giữa các xương sườn, dưới xương ức hoặc xung quanh khí quản bị kéo căng
Da đổ mồ hôi và nhợt nhạt: Trẻ đổ mồ hôi và nhợt nhạt và có vẻ như đang cố gắng thở khi đang nghỉ ngơi.
Môi hoặc móng tay sẫm màu: Môi hoặc móng tay của con bạn trông sẫm màu, tái hoặc xanh xao
Cảm thấy bồn chồn hoặc sợ hãi: Con bạn bồn chồn hoặc có vẻ sợ hãi mà không có lý do rõ ràng
Lý do phổ biến nhất gây ra các vấn đề về hô hấp, ngoài bệnh tật, là ống mở khí quản bị tắc bởi chất nhầy khô. Đảm bảo trẻ được cung cấp đủ độ ẩm có thể giúp ngăn ngừa vấn đề này. Tuy nhiên, nếu khí quản bị tắc, hãy thử hút nút đờm tắc bằng cách hút đờm nhớt.
Nếu bạn gặp khó khăn khi đưa ống mở khí quản vào khí quản và cảm thấy chặt, hãy nhỏ một vài giọt nước muối vào ống và thử hút lại. Không được ép ống thông; điều này có thể đẩy cục đờm khô vào sâu hơn. Nếu bạn không thể thông cục chất nhầy, hãy thay ống mở khí quản mới như bình thường và thử hút lại sau.
Nếu trẻ ngừng thở
Hãy nhớ các bước ABC của CPR:
A-AIRWAY (ĐƯỜNG THỞ) – Kiểm tra để đảm bảo rằng ống mở khí quản thông với không khí. Nhìn, lắng nghe và cảm nhận không khí thoát ra từ khí quản và quan sát xem ngực có chuyển động không. Đặt đầu trẻ sao cho cổ trẻ được hở ra.\
B-BREATHING (HÍT THỞ) – Dùng miệng hoặc túi tự phồng để thổi ngạt cho trẻ hai lần qua khí quản. Kiểm tra xem có khí rò rỉ từ mũi và miệng không. Nếu điều này xảy ra, hãy che miệng và mũi bằng tay. Nếu bạn không thể thổi khí qua khí quản, hãy thay ống. Bạn nên bóp túi từ từ và nhẹ nhàng với lực vừa đủ để thấy lồng ngực nhô lên.
C-CIRCULATION (TUẦN HOÀN) – Kiểm tra các dấu hiệu chuyển động như ho hoặc dấu hiệu thở sau khi thổi ngạt 2 lần. Sau khi thổi ngạt hai lần đầu, hãy bắt đầu ép tim.
Hãy nhờ người gọi cấp cứu 115 ngay lập tức nếu có thẻ. Nếu không có ai quanh bạn, hãy thực hiện ép tim CPR trong một phút trước rồi gọi cấp cứu 115. Tiếp tục CPR như bạn đã được dạy cho đến khi có người đến giúp. Bạn sẽ không được về nhà nếu chưa học CPR khi chăm sóc bệnh nhân mở khí quản. Bạn sẽ được dạy điều này khi trẻ còn ở trong bệnh viện.
Khi bạn không thể đăt ống mở khí quản mới
Nếu bạn gặp khó khăn khi lắp ống mở khí quản mới, hãy đảm bảo đầu của trẻ ở đúng vị trí và thử lắp lại ống mới. Nếu ống vẫn không vào được, hãy thử lắp lại ống cũ. Ống cũ đã tháo ra có thể vào lại mà không gặp khó khăn.
Các bước khẩn cấp cần thực hiện nếu ống mới hoặc cũ đều không lắp lại được:
Sử dụng ống mở khí quãn nhỏ hơn (nhỏ hơn 1/2 kích thước so với ống ban đầu) và thông báo cho bác sĩ nếu sử dụng ống nhỏ hơn
Ống mở khí quản nhỏ hơn càng để lâu thì càng khó chèn ống kích thước ban đầu
Nếu bạn không thể chèn ống nhỏ hơn, hãy nhờ ai đó gọi cấp cứu
Đừng hoảng sợ nếu con bạn ngất xỉu
Nếu con bạn ngất xỉu, các cơ cổ sẽ giãn ra và bạn có thể thấy dễ dàng hơn khi chèn ống mở khí quản vào lúc này
Nếu ống mở khí quản rơi ra
Nếu ống mở khí quản vô tình rơi ra, bạn sẽ cần phải hành động nhanh chóng và bình tĩnh. Hãy nhớ rằng bạn đã thay ống khí quản nhiều lần trước đó.
Luôn chuẩn bị sẵn ống mở khí quản sạch và đai cố định mở khí quản
Nếu không, hãy nhanh chóng đặt lại ống khí quản cũ cho đến khi bạn có thể lấy được ống mở khí quản sạch/mới
Đặt ống dẫn vào ống mở khí quản và bôi trơn
Lắp ống mở khí quản và nhanh chóng rút ống dẫn ra
Cố định ống và dây đai
Theo: Lurie Children